Bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng

(PLO) - Ông Lê Minh Tâm hỏi: Tôi có người thân hiện tại đã trên 80 tuổi là người có công với cách mạng thuộc diện được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) theo mức 2 (hưởng 100% chi phí điều trị). Tuy nhiên, người thân của tôi cũng được hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng nên không được cấp thẻ BHYT người có công cách mạng hoặc người cao tuổi mà lại được cấp thẻ BHYT theo đối tượng người cao tuổi hưởng tuất hàng tháng và mức hưởng BHYT là mức 4 (80% chi phí điều trị), nghe nói là do có văn bản của Bộ Y tế quy định như vậy.

Xin quý cơ quan cho tôi hỏi: Có văn bản của Bộ y tế quy định như vậy không? Và có, thì văn bản đó có trái với quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật BHYT sửa đổi bổ sung số 46/2014/QH13 hay không? Tại sao? Nếu không được hưởng quyền lợi BHYT 100% thì người thân của tôi yêu cầu bỏ không hưởng chế độ tuất hàng tháng nữa để được tham gia BHYT theo đối tượng người có công cách mạng có được không? Và hồ sơ thế nào?

- BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ nội dung Công văn số 6425/BYT-BH ngày 28/8/2015 của Bộ Y tế về việc giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ BHYT, thì chỉ người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên thuộc các đối tượng: người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người thuộc diện hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người thuộc hệ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã, đảo, huyện đảo, thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ mới được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. 

Trường hợp người thân của ông đã trên 80 tuổi và là người có công với cách mạng thì được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Đọc thêm