Tham dự lễ trao giải có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc. (Ảnh: Linh Chi) |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết giải thưởng được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm vinh danh những phóng viên báo chí có thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng và đồng hành trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển bền vững đất nước.
Trải qua 7 lần tổ chức, Giải thưởng Báo chí về Tài nguyên và Môi trường đã trở thành một sự kiện uy tín, thu hút đông đảo nhà báo, phóng viên và các cơ quan truyền thông trên cả nước. Năm nay, giải thưởng nhận được 429 tác phẩm dự thi với 940 bài viết, phóng sự từ hơn 300 tác giả, nhóm tác giả, thuộc 4 loại hình báo chí: báo điện tử, báo in, phát thanh và truyền hình.
Các tác phẩm dự thi tập trung vào những vấn đề thời sự như thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2020, ý kiến về các Luật mới trong lĩnh vực tài nguyên, ứng phó thiên tai, phát triển kinh tế bền vững, sử dụng tài nguyên hợp lý, và các chính sách đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn từ báo chí, chính quyền và người dân đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Những tác phẩm dự thi mang tính thời sự, phản biện sâu sắc, bám sát thực tế và phản ánh toàn diện các vấn đề trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, các bài viết còn tuyên truyền các mô hình hay, những hình ảnh tích cực trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 36 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Đây đều là những tác phẩm được đầu tư công phu, phản ánh đa dạng các lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường.
|
Đại diện nhóm tác giả Báo Pháp luật Việt Nam nhận giải tại Lễ trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII. (Ảnh: Linh Chi) |
Loạt bài “Tín chỉ carbon – Bước tiến tới tương lai” thực hiện bởi nhóm tác giả Bùi Thị Xuân Hoa, Đỗ Thuỳ Trang, Nguyễn Linh Chi, Lê Võ Nguyệt Thương, Nguyễn Tuấn Ngọc, nỗ lực phản ánh một bức tranh toàn cảnh về tín chỉ carbon - một công cụ chiến lược quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy quá trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon, giúp kết nối với các thị trường quốc tế như Liên minh châu Âu (EU). Tín chỉ carbon không chỉ hỗ trợ giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và đầu tư vào các dự án xanh, giúp Việt Nam thực hiện các cam kết môi trường toàn cầu.
Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang gặp khó khăn do thiếu hành lang pháp lý đồng bộ và cụ thể. Mặc dù các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của giảm phát thải khí nhà kính, nhưng thiếu quy định rõ ràng về quy trình giao dịch và giám sát tín chỉ carbon cản trở sự tham gia. Việc phát triển hệ thống pháp lý để quản lý tài sản vô hình như tín chỉ carbon, cùng với hỗ trợ từ Chính phủ, là cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
|
Triển khai tín chỉ carbon từ rừng có thể góp phần tạo động lực cho người dân "bám rừng" và bảo vệ rừng bền vững. (Ảnh: Linh Chi) |
Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng chiến lược carbon thấp để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe từ các thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu, dự kiến có hiệu lực từ 2026, là một thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cải tiến công nghệ, giảm phát thải và xây dựng thương hiệu xanh. Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ xanh và chứng nhận quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ carbon tại Việt Nam đang trở thành xu hướng. Với mục tiêu Net Zero và sự hỗ trợ từ chính phủ cùng nguồn vốn đầu tư ngày càng ưu tiên cho các dự án xanh, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để phát triển công nghệ carbon "made in Vietnam".
Cuối cùng là vai trò không thể thiếu của tín chỉ carbon từ rừng – một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Dù vậy, việc triển khai tín chỉ carbon rừng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế và chính sách pháp lý rõ ràng, đòi hỏi sự cải thiện về pháp lý và công nghệ giám sát rừng.