Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, do mưa lớn từ sáng nên các các trục đường chính và một số đoạn đường sắt đã bị ngập sâu, đất đá từ núi đổ về gây sạt lở nghiêm trọng dẫn đến giao thông bị tắc nghẽn, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua các tỉnh Nam Trung bộ bị tê liệt, nhiều đoàn tàu phải nằm lại các ga thuộc ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Rạng sáng qua (25/11), do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại bờ biển Rạng, phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra tình trạng biển xâm thực. Sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao gây sạt lở bờ biển, làm 7 tàu cá bị hư hỏng hoàn toàn và 2 nhà dân có nguy cơ sập đổ. Có tất cả 31 phương tiện bị thiệt hại. Ngoài ra, tại xã Liên Hương, huyện Tuy Phong, gió lớn đã làm 1 lồng bè với 8.000 con cá bị đứt trôi ra biển, ước tính thiệt hại 6 tỷ đồng.
Vào khoảng 23 giờ 30 ngày 24/11, tại khu neo đậu tránh, trú bão thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri, hai tàu cá mang số hiệu BT- 98118 TS của bà Nguyễn Thị Huệ và tàu cá mang số hiệu BT- 93519 TS của ông Lê Văn An (cùng ngụ ấp An Thới, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) làm chủ bị cháy rụi khi đang trú tránh bão số 9. Vụ cháy không thiệt hại về người nhưng thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Huyền Trân
Ngày 25/11, khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to, có vài nơi đặc biệt to. Các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc đã tổ chức sơ tán 113 hộ/312 nhân khẩu, hỗ trợ người dân chằng chống 1.145 căn nhà, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở vùng xung yếu. Dự kiến sẽ tiếp tục sơ tán hơn 10.000 hộ/39.357 khẩu đến nơi an toàn.
Mặc dù nằm xa tâm bão và một số tỉnh không nằm trong đường di chuyển của bão số 9 nhưng một số tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện mưa to, gió lớn, kèm giông bão kéo dài nên một số địa phương đã chủ động sơ tán người dân để đảm bảo an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên PLVN, tại các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre đã tiến hành di dời, sơ tán 24.000 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan không để tàu thuyền ra khơi, đồng thời cử lực lượng túc trực liên tục tại các địa bàn trọng yếu, sẵn sàng ứng phó, không lơ là, chủ quan.
Tại Tiền Giang, khu vực biển Gò Công (thuộc thị xã Gò Công, huyện Tân Phú Đông), các bến phà, đò sang huyện Tân Phú Đông ngưng hoạt động từ đêm 24/11, huyện Tân Phú Đông đã sơ tán hơn 3.000 người ngoài đê biển đến nơi tránh, trú an toàn, huyện Gò Công Đông đã kêu gọi 860 tàu thuyền vào bờ hoặc tránh ra vùng nguy hiểm, hơn 1.200 hộ dân ngoài đê và có nhà không an toàn đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến trưa 25/11, Bạc Liêu còn 557 tàu đánh bắt thủy sản, với hơn 3.850 thuyền viên còn hoạt động trên biển, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là gần 400 chiếc với hơn 3.000 thuyền viên. Song tất cả số tàu trên đã giữ liên lạc với đất liền, nắm được đầy đủ thông tin về cơn bão số 9 và đã di chuyển phương tiện đến khu vực an toàn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ chiều qua tại TP HCM, mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường, trên một số tuyến đường xuất hiện cây và cột điện bị đổ ngã, cây đổ đè chết 1 người đi đường. Tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng ở 24 quận, huyện và dự báo sẽ còn kéo dài.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 9 bắt đầu suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và đi vào khu vực từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Bến Tre. Do ảnh hưởng của ATNĐ sau suy yếu thành vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Từ ngày 25-27/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên có mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Không chỉ mưa lớn, từ nay đến ngày 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.