Bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm: Xây dựng chiến lược dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm nói riêng, hiện đối mặt với rất nhiều thách thức. Tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn. Trong khi đó, nguồn lực bảo tồn vẫn còn hạn chế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguồn lực bảo tồn còn hạn chế

Việt Nam nằm trong “điểm nóng” về đa dạng sinh học khu vực Ấn Độ - Miến Điện, có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng do các tác động của quá trình phát triển và săn bắn, buôn bán trái phép.

Theo thống kê của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), năm 2021, Việt Nam có 348 loài thú, 869 loài chim, 384 loài bò sát, 221 loài lưỡng cư và 2.041 loài cá. Trong số này, 75 (21%) loài thú, 57 (6%) loài chim, 75 (19%) loài bò sát, 53 (24%) loài lưỡng cư và 136 (7%) loài cá được liệt kê là các loài bị đe doạ (thuộc các mức Cực kỳ nguy cấp, Nguy cấp hoặc Sắp nguy cấp). Nhiều loài đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng và kích thước quần thể của nhiều loài động vật có xương sống đang suy giảm.

Còn theo một thống kê khác, TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), cho biết: chỉ tính trong giai đoạn 2000 - 2018, diện tích rừng tự nhiên tại Việt Nam đã suy giảm khoảng gần 2.000km2 (4,42% so với tổng diện tích rừng), rừng ngập mặn giảm 154km2 (11,49%), rừng hỗn giao giảm 11.095km2 (32,33%) và rừng ngập nước giảm 1.784km2 (68,32%). Ngược lại, đất trồng cây ăn quả và rừng trồng đã mở rộng lên tới 17%, tương đương với 10.367km2; diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng khoảng 10%, tương ứng với khoảng 800km2.

Báo cáo của dự án BIODEV năm 2021 cho thấy các loài bị ảnh hưởng do mất sinh cảnh sống từ các tác động như phát triển khu dân cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình thủy điện. Trong đó, hai yếu tố ảnh hưởng nhất đến các loài hoang dã là chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp/nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ.

Thực trạng cho thấy công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm nói riêng, hiện gặp rất nhiều thách thức. Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực như xây dựng hệ thống các khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán trái phép, tuy nhiên, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học vẫn đã và đang diễn ra, trong khi nguồn lực bảo tồn còn rất hạn chế.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đang phối hợp với CCD xây dựng Dự thảo “Chiến lược huy động nguồn lực cho nỗ lực bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm giai đoạn 2022 - 2030” và mới đây đã tổ chức cuộc họp tham vấn hoàn thiện chiến lược này.

Tại cuộc họp tham vấn trên, các chuyên gia cho rằng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong các lĩnh vực như: nguồn tài chính và các chính sách khuyến khích trong quản lý và bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đầu tư cho các chương trình bảo tồn; nguồn nhân lực trong bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng văn bản quy định về tài chính;… Đơn cử, các khu bảo vệ (vườn quốc gia, khu bảo tồn) chỉ mới được đầu tư 40% nhu cầu tài chính thực sự của họ. Nguồn tài chính cho quản lý và bảo tồn loài hoang dã nguy cấp quý hiếm phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có quy định về các quỹ cho đa dạng sinh học nói chung và loài hoang dã nguy cấp quý hiếm nói riêng. Do đó, nguồn tài chính và việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện tại vẫn rất khó khăn.

Ngày 29/10/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch 160/2014/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia phản ánh việc thực hiện quy định này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ: Thông tư có quy định về yêu cầu tài chính hỗ trợ cho cơ sở bảo tồn nhưng không có định mức kinh tế - kỹ thuật, không có định mức chi, không được giao cho ai.

Việc tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện tại và xây dựng một chiến lược huy động nguồn lực bền vững sẽ góp phần thực hiện công tác bảo tồn hiệu quả và triệt để hơn.

Chia sẻ về Dự thảo, Giám đốc CCD Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh mục tiêu của chiến lược nhằm huy động được một cách hiệu quả và bền vững các nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi quần thể của các loài hoang dã ở Việt Nam. Cụ thể, xác định được các dòng vốn, nguồn đầu tư, nguồn đóng góp lâu dài và liên tục cho đa dạng sinh học, phục hồi các loài; xây dựng được cơ chế/định chế tài chính để huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học; xây dựng được các chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, pháp nhân tham gia đóng góp nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi loài.

Đọc thêm