Hành trình bảo tồn không ít gian nan
Mới đây, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một tin vui của cộng đồng người Chăm nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, nghệ thuật làm gốm của người Chăm vẫn còn không ít mối lo.
Trong buổi gặp mặt các đại biểu Hội Di sản văn hóa Việt Nam mới diễn ra trong tháng 11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, với bề dày lịch sử lâu đời và 54 dân tộc anh em cùng chung sống, Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, được hình thành, vun đắp và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng, Nhà nước luôn đặt di sản văn hóa đúng tầm và vị thế trong quá trình dựng nước bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, văn hóa vẫn là nét riêng, là hồn cốt và nét đẹp đặc sắc của mỗi dân tộc. Việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ VH,TT&DL thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chủ trương, chính sách về văn hóa kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Nghệ thuật gốm Chăm có nét đặc biệt, độc đáo khác hẳn các dòng gốm khác. Gốm Chăm chủ yếu là đồ gia dụng và đồ cúng lễ, do phụ nữ trong các làng Chăm sáng tạo. Di sản gốm Chăm gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và cả đời sống người Chăm.
Tuy nhiên, những năm qua, gốm Chăm có nguy cơ mai một, thể hiện ở sự thu hẹp dần về quy mô, ít sáng tạo về mẫu mã, hình thức. Nguyên do là số lượng nghệ nhân, người thực hành và học nghề tại các làng gốm ngày càng ít, đồng thời sản phẩm gốm Chăm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ít quảng bá và mở rộng trở thành một sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Điều này đặt ra những vấn đề cấp bách để bảo tồn di sản gốm Chăm, đặc biệt là sau khi được UNESCO đưa vào danh sách cần bảo tồn khẩn cấp.
Việt Nam đến nay đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hội Gióng, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví giặm, nghi lễ và trò chơi kéo co, tín ngưỡng thờ Mẫu, bài chòi ở Trung Bộ, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây là xòe Thái. Hầu hết các di sản này đều cần “bảo vệ”.
Những năm qua, không ít di sản được vinh danh, được cộng đồng trong và ngoài nước quan tâm, nhưng vẫn đứng chông chênh giữa ranh giới phát triển và mai một. Như cồng chiêng Tây Nguyên, sau 15 năm được UNESCO vinh danh, các cơ quan quản lý và cộng đồng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện khá hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn nhiều yếu tố tác động khiến di sản văn hóa này đối diện nguy cơ. Có thể kể đến sự biến đổi không gian diễn xướng, sự mất đi dần thế hệ các nghệ nhân cồng chiêng biết và thực hành di sản. Cạnh đó là tình trạng trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng, mua bán cồng chiêng để phục vụ kế sinh nhai vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương.
Đáng nói, mặc dù là chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng hiện nay các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng vẫn chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng, chưa có cơ sở đúc chiêng nào, số lượng các bộ cồng chiêng hiện có của 5 tỉnh Tây Nguyên đều là do mua bán, trao đổi với các địa phương khác...
Một số di sản khác, nhờ được khắc phục các yếu tố tác động, đã được thực hiện khá tốt công tác bảo vệ và phát huy di sản. Có thể kể đến nghệ thuật bài chòi Trung Bộ. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ đã giúp các cộng đồng địa phương nhận thức đầy đủ hơn về giá trị di sản, mở rộng đối tượng tham gia hoạt động bài chòi và thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện tìm hiểu, trải nghiệm di sản.
Theo kết quả kiểm kê mới nhất của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2022, hiện có 1.376 người (870 nam, 506 nữ) trong 86 đội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành bài chòi tại 9 tỉnh, thành phố nói trên. Tại Bình Định và Quảng Nam, bài chòi phát triển mạnh với 37 câu lạc bộ, 27 gia đình, 106 nghệ nhân (71 nam, 35 nữ) và có ảnh hưởng tới các tỉnh còn lại.
Nghệ thuật hát bài chòi đang được bảo tồn hiệu quả nhờ gắn với đời sống và làm tốt công tác đào tạo thế hệ kế cận. |
Gửi hy vọng vào những người trao truyền
Có rất nhiều yếu tố cần phải lưu tâm trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được Đảng, Nhà nước, các địa phương và cộng đồng thực hiện nhiều năm qua, như việc đầu tư không gian di sản, đưa di sản vào đời sống, kết nối di sản và du lịch... Nhưng yếu tố cốt lõi vẫn là con người, mà cụ thể là các nghệ nhân dân gian. Họ chính là những người “giữ lửa” và “truyền lửa”, quyết định việc tồn tại di sản văn hóa của cộng đồng.
Một số địa phương, nhờ làm tốt công tác con người mà trong những năm qua, di sản phi vật thể được bảo tồn và phát triển rất tốt.
Đơn cử như then là thực hành tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Tày, Nùng ở Việt Nam, được UNESCO vinh danh năm 2019. Đến năm 2021, tỉnh Lạng Sơn có khoảng trên 600 nghệ nhân then, nhiều nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, nhiều nghệ nhân then có trình độ học vấn cao, có bằng cử nhân, thạc sĩ; có những nghệ nhân vừa làm then vừa là cán bộ công chức Nhà nước. Họ là những người đi tiên phong trong công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống, quảng bá và lan tỏa những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Về phần bài chòi, hiện lực lượng nghệ nhân bài chòi dần được trẻ hóa do các thế hệ đi trước đã dành nhiều tâm huyết để sáng tạo, vun đắp cho thế hệ sau này. Số nghệ nhân, diễn viên quần chúng có khả năng biểu diễn nghệ thuật bài chòi ngày càng nâng lên cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật.
Tuy nhiên, không ít di sản phi vật thể đang đứng trước nỗi lo đau đáu về việc thiếu nghệ nhân dân gian. Trong đó ca trù đang gặp khó vì số nghệ nhân rời bỏ nghề ngày càng nhiều trên hầu hết các địa phương.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Đài - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ca trù xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tìm được hạt nhân trẻ để có thể đào tạo, bồi dưỡng hát ca trù đã khó nhưng cái khó hơn nữa là làm thế nào để họ giữ được đam mê, gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Bởi, ngoài yếu tố thị hiếu và thị trường văn hóa - văn nghệ hiện đại cuốn hút mọi người còn là yếu tố kinh tế. Dù địa phương đã có những chính sách hỗ trợ các CLB nhưng đối với cá nhân, con số này rất khiêm tốn, khó lòng giúp họ bảo đảm đời sống”.
Hoặc như xoè Thái, di sản văn hoá phi vật thể, niềm tự hào của người Thái đang đối mặt với “cái khó” về đào tạo. Hiện thế hệ nghệ nhân xòe Thái đang “già hóa”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn xòe Thái có sức sống trong cộng đồng, nghệ nhân xoè nên được giáo dục từ khi trẻ là học sinh cơ sở, học sinh phổ thông. Để tổ chức được điều này không hề là dễ dàng.
Có thể tổng kết một số “cái khó” trong việc đào tạo thế hệ nghệ nhân trao truyền, đó là sự tác động của kinh tế thị trường khiến nghệ nhân có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn, chính sách đãi ngộ đó đây còn chưa tương xứng, khiến nghệ nhân gặp khó trong vấn đề bảo đảm đời sống. Và việc giáo dục tình yêu di sản đối với thế hệ trẻ chưa đủ mạnh, khiến họ hiểu biết, lựa chọn đi theo.
Chính vì thế, cần nhanh chóng có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh các nghệ nhân, đảm bảo đời sống cho họ. Với các nghệ nhân dân gian đã được hưởng chính sách của Nhà nước, được nhận bằng vinh danh thì vẫn rất cần quan tâm sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao.
Ngoài yếu tố kinh tế, còn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nghệ nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trong công tác đào tạo, cần khuyến khích, bồi dưỡng, đào tạo tài năng, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy việc hợp tác giao lưu, trao đổi về văn hóa truyền thống với các tỉnh nhằm tạo động lực, làm sôi động môi trường văn hóa dân gian để giới trẻ quan tâm, có hứng thú tham gia.
Luật Di sản văn hóa đã và đang tạo hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tôn tạo di sản văn hóa; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật có những quy định rõ về việc chăm sóc yếu tố “con người” trong bảo tồn di sản. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và làm giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Điều 17). Đồng thời, Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt (Điều 26).
Như vậy, hành lang pháp lý đã có. Điều còn lại là sự triển khai như thế nào để đảm bảo nguồn nhân lực, để di sản được tiếp tục trao truyền và thực hành trong cộng đồng.