Bảo tồn hổ: Hành trình Việt Nam không thể đi một mình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thông tin “nóng” trong nước gần đây về việc phát hiện vận chuyển nhiều cá thể hổ sống, xây hầm ngầm nuôi hổ khiến các nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã “đứng ngồi không yên”.
Lực lượng công an kiểm tra cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Lực lượng công an kiểm tra cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Nhân Ngày quốc tế về bảo tồn hổ 29/7 vừa qua, con số đưa ra cho thấy, trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 3.000 cá thể hổ. Quần thể hổ hoang dã đang suy giảm ở tất cả các quốc gia có hổ phân bố ở lục địa Đông Nam Á. Nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm này chính là nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp.

Theo thống kê, từ năm 2000 – 2018, các bộ phận của hổ, tương đương với khoảng 1.004 cá thể đã bị thu giữ tại Đông Nam Á, cùng khoảng 8.000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Được biết, một trong các mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á là bẫy dây. Ước tính có hơn chục triệu bẫy dây đang được giăng mắc khắp các khu bảo tồn tại Campuchia, Lào và Việt Nam. Nhằm giảm mối đe doạ này, năm 2011, trong khuôn khổ dự án CarBi, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) – Việt Nam và các đối tác đã tiến hành gỡ bỏ 134.000 bẫy dây ở Việt Nam.

Ở góc độ pháp luật, hổ cũng là đối tượng được ưu tiên bảo vệ ở Việt Nam. Mọi hành vi vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không tách rời sự sống và sản phẩm của hổ đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cá nhân phạm tội, mức phạt tối đa lên tới 15 năm tù giam; còn đối với pháp nhân thương mại phạm tội, mức phạt tối đa lên tới 15 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết: “Mặc dù dấu vết về hổ tại Việt Nam trong tự nhiên gần như không thấy, nhưng Việt Nam vẫn đang và có thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á thông qua các nỗ lực đang được triển khai như bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm của hổ”.

Với mong muốn đảo ngược tình trạng suy giảm hổ, các chính phủ ở Đông Nam Á sẽ thảo luận và thông qua Kế hoạch Hành động Phục hồi Hổ ở Đông Nam Á tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Châu Á về Bảo tồn Hổ lần thứ tư, do Chính phủ Malaysia tổ chức vào tháng 11/2021 tới đây.

Theo đó, kế hoạch được bàn thảo có thể bao gồm tăng ngân sách cho các khu bảo tồn, trong đó có ngân sách cho cán bộ kiểm lâm làm việc trên thực địa và thành lập các Ủy ban Quốc gia về bảo tồn hổ do người đứng đầu Chính phủ chủ trì. Đồng thời, xem xét một số vấn đề khác như cơ hội di chuyển và tái thả hổ, giải quyết việc buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ.

Tiến sĩ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình (WWF) nhận xét: “Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp hổ ở Việt Nam; loại bỏ các trang trại hổ hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực giảm cầu đối với các sản phẩm từ hổ; tăng cường nguồn lực cho các khu bảo tồn để ngăn chặn săn trộm và phục hồi quần thể thú mồi của hổ nhằm chuẩn bị môi trường sống đầy đủ và an toàn cho việc tái thả hổ tại Việt Nam trong tương lai”.

Không chỉ hổ mà còn rất nhiều các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm, đều đang được ưu tiên bảo vệ. Điều này cũng được thể hiện trong dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030. Theo đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đó, Việt Nam không thể “đi một mình”; phải cùng hội nhập với quốc tế để vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái. Việc mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng là một hướng đi hay đáng để suy ngẫm, cân nhắc thực hiện.

Đọc thêm