Bảo tồn voi bằng mô hình "cười với voi"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không cưỡi voi, thay vào đó sẽ tạo tương tác thân thiện giữa du khách với voi, cho voi ăn, tắm và chụp hình cùng voi… Mô hình "Tôi cười với voi, tôi ngừng cưỡi voi" là chiến dịch để việc bảo tồn voi đạt hiệu quả triệt để.
Bảo tồn voi bằng mô hình "cười với voi"
Bảo tồn voi bằng mô hình "cười với voi"

Bảo tồn voi nhà là cấp thiết

Những năm 1980, các cơ quan chức năng ghi nhận có khoảng hơn 500 cá thể voi hoang dã thường xuyên xuất hiện ở các khu vực rừng như ở Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, nhưng hiện số lượng voi chỉ còn khoảng 80-100 con. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn voi hoang dã bị giảm mạnh về số lượng là do môi trường sống của voi hoang dã bị thu hẹp, chia cắt, voi thiếu thức ăn, bị dịch bệnh, cộng với nạn săn bắn của con người để lấy ngà, lông đuôi, da.

Số lượng voi nhà cũng suy giảm nhanh chóng. Nếu năm 1980, voi nhà có khoảng hơn 400 con thì đến năm 2000 chỉ còn 96 con. Đến nay, số lượng voi còn lại là 37 con (14 con tại huyện Lắk, 1 con tại huyện Krông Ana, 22 con ở Buôn Đôn). Phần lớn lượng voi nhà giảm do nhiều voi lớn tuổi bị chết.

Như vậy, số lượng voi nhà đã giảm hơn 90%. Nguyên nhân được xác định là tuổi voi cao, bị khai thác sức phục vụ du lịch quá mức. Ngoài ra, do voi thiếu thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và trình độ nuôi dưỡng voi còn thô sơ, chỉ được chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm của các chủ voi.

Ghi nhận hơn 30 năm qua, không có voi nhà sinh sản thành công và voi chết dần dẫn đến việc voi nhà đứng trước nguy cơ có thể tuyệt chủng nếu không có những hướng đi mới để bảo tồn.

Voi rừng được chăm sóc và bảo vệ

Voi rừng được chăm sóc và bảo vệ

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Công việc bảo tồn voi là vấn đề được đặt ra trong thời gian khá lâu, nhưng thực hiện như thế nào để giữ được số voi hiện tại cũng là cả một vấn đề. Đã có rất nhiều phương án được đưa ra liên quan đến công tác bảo tồn voi, nhiều hội thảo về việc này, nhưng như chúng ta thấy, để đạt được mục đích thì không dễ dàng gì”.

Hiện, có hai phương án khả quan để nâng cao công tác bảo tồn voi. Như thực hiện theo Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh Đắk Lắk được thông qua vào tháng 12/2021. Nghị quyết 11 đã bổ sung, sửa đổi một số quy định trong Nghị quyết 78/2012 về công tác bảo tồn voi. Trong Nghị quyết này có nhiều nội dung, trong đó có nội dung hỗ trợ kinh phí cho voi nhà sinh sản.

Mới đây, Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã cam kết tài trợ hơn 2,2 triệu USD để thực hiện dự án, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2026. Mục tiêu của dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi toàn tỉnh, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi. Đồng thời qua đây cũng nhằm triển khai nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà tại Đắk Lắk.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt khoản viện trợ đối với dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”.

Dự án được triển khai tại Ban Quản lý rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk (huyện Lắk), Vườn Quốc gia Yók Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng, các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Phấn đấu đến hết năm 2026, mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Ngoài ra, các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; Thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; Hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới cộng đồng.

Thân thiện với voi

Để hướng tới du lịch thân thiện với voi, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu sớm triển khai mô hình “Du lịch thân thiện với voi” và tổ chức xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới liên quan đến voi.

Để triển khai, tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện Lắk và Buôn Đôn, các đơn vị kinh doanh du lịch có sử dụng voi, các tổ chức, cá nhân sở hữu voi theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của tỉnh trong việc quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện những cam kết của tỉnh đối với Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation) trong việc hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ cưỡi voi...

Tỉnh Đắk Lắk hướng tới việc không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến đến voi nhà gồm: Du lịch cưỡi voi, các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi… Những chú voi tham gia du lịch thân thiện được tự do đi lại, ăn uống di chuyển mà không có sự ràng buộc của con người mà chỉ có sự giám sát của nài voi.

Ngày 10/2/2023, sau thời gian vận động, các chủ voi là người dân địa phương tại Buôn Đôn đã cùng với TTDL Cầu Treo Buôn Đôn ngừng hẳn dịch vụ cưỡi voi. Từ đó đến nay, TTDL Cầu Treo Buôn Đôn thực hiện việc ngừng hoạt động này. Điều này hợp với xu thế du lịch nhân văn, giúp voi Đắk Lắk có thể duy trì sức khỏe và điều này cực kỳ quan trọng đối với chủ trương bảo tồn đàn voi nhà của UBND tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, phần đa hiện nay voi Đắk Lắk được thuần hóa và nuôi dưỡng bởi người dân địa phương. Nhưng nếu chỉ dừng lại bằng việc vận động voi ngừng tham gia cung cấp dịch vụ cưỡi voi mà không giúp các chủ voi có nguồn thu nhập khác ngoài cưỡi voi dư dả và tạo kế sinh nhai cho gia đình chủ voi thì tính khả thi của việc ngưng cưỡi voi sẽ không được lâu bền.

Các dịch vụ cưỡi voi sẽ chấm dứt

Các dịch vụ cưỡi voi sẽ chấm dứt

Tại TTDL Cầu treo Buôn Đôn cũng đã triển khai các dịch vụ du lịch voi thân thiện như chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn, tắm cùng voi... với mong muốn sẽ mang lại nguồn thu thập đủ tốt cho chủ voi, nài voi nhằm giúp họ an tâm và tin tưởng vào chủ trương đúng đắn trên.

Tuy nhiên, hiện sau khi thông tin ngừng hoạt động cưỡi voi tại Buôn Đôn lượng khách du lịch đến với Buôn Đôn đã giảm mạnh. Việc này khiến cho hoạt động du lịch voi thân thiện chưa tiếp cận được nhiều lượng khách, gây nguy cơ mất an toàn thu nhập, làm ảnh hưởng đến đời sống của gia đình chủ voi, gây khó khăn cho chủ trương bảo tồn voi.

Bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện, Công ty TNHH XNK 2/9 Đắk Lắk cho biết: "Dịch vụ voi thân thiện là thiết yếu, giúp chủ trương và hoạt động ngưng cưỡi voi, bảo tồn voi Buôn Đôn được duy trì lâu dài".

Với mô hình du lịch thân thiện với voi, du khách được trải nghiệm khi được đến tận nơi, vào rừng để ngắm voi, tìm hiểu kiến thức về voi. Đến đây, du khách cũng có thể tìm thấy dấu chân voi, dấu vết tìm thức ăn. Đặc biệt, khi du lịch du khách cũng có thể tìm hiểu về hệ động thực vật của VQG Yók Đôn, xem những cây thuốc của đồng bào địa phương thường sử dụng, thưởng thức bữa trưa theo kiểu dã ngoại.

Hơn nữa, du khách có thể học làm quản tượng, cùng nài voi vào rừng tìm voi, đưa voi ra sông tắm và cho ăn, chụp ảnh cùng voi… Đây thực sự là những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn khi du khách tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk./.

Đọc thêm