Thừa Thiên Huế là địa phương có diện tích rừng lớn, với tổng diện tích toàn tỉnh hiện có 288.401,82 ha rừng, trong đó: rừng tự nhiên: 211.243,37 ha; rừng trồng đã thành rừng 77.158,45 ha; diện tích mới trồng chưa thành rừng: 22.883,06 ha; độ che phủ rừng đạt 57,38%.
Với diện tích rừng trồng hơn 100.000 ha nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn do tốc độ phát triển trồng rừng sản xuất tăng cao; tác động của con người vào rừng khá lớn. Bên cạnh đó, thời tiết vào những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài làm tăng nguy cơ cháy rừng và một số tác nhân khách quan khác là mối đe dọa cháy rừng tại các địa phương bất kỳ lúc nào.
Để chủ động phòng ngừa cháy rừng, tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị đã tiến hành xác định 5 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn để triển khai phương án huy động lực lượng khi xảy ra cháy lớn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Nhà nước về PCCCR tới nhân dân, chủ rừng.
Huấn luyện nghiệp vụ PCCC, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC rừng cho các lực lượng. Tổ chức trực ban, trực chỉ huy, trực chòi canh và bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; phối hợp kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện các điểm cháy để huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu…
Chòi canh bảo vệ rừng tại khu vực rừng Bắc Hải Vân. |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra từ 2-3 vụ cháy rừng cùng lúc, khiến lực lượng chức năng phải huy động tối đa nhân vật lực để chữa cháy. Nhiều vụ cháy xảy ra hoặc kéo dài đến tận đêm khuya gây khó khăn cho các lực lượng tham gia hỗ trợ. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu mùa khô 2021, các lực lượng như Kiểm lâm, bảo vệ rừng, các chủ rừng đã liên tục chú trọng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng vào thời điểm là ban đêm.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, để chủ động cho công tác PCCCR vào ban đêm, đơn vị đã tính toán hết sức cẩn trọng để đảm bảo điều kiện chữa cháy như ban ngày. Ban đêm phải thực hiện các hoạt động bổ trợ như: người dẫn đường, điểm tiếp nước có bản đồ, đèn pin..
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác PCCCR có vai trò quan trọng trong việc dập tắt và kiểm soát tốt đám cháy. Nếu thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Kiểm Lâm, công an PCCC, chính quyền địa phương, các chủ rừng lớn thì công tác PCCCR sẽ đạt hiệu quả.
Trước thực trạng đó ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Kiểm lâm với lực lượng vũ trang, chủ rừng và các lực lượng khác trong công tác PCCCR, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình PCCCR và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra.
Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”, “phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, để bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, chủ động phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ngoài ra, các Ban Quản lý rừng cần đẩy mạnh trồng rừng bản địa, trồng diện tích nào chắc diện tích đó; chú trọng chăm sóc rừng, xử lý các loài thực vật có hại cho quá trình sinh trưởng, phát triển cây bản địa.