Bảo vệ tốt hơn quyền lợi các bên

(PLO) - Hôm qua 25/11, với trên 84% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Luật mới được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Ảnh: MH
Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Ảnh: MH
Bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, về yêu cầu thi hành án (THA), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của Dự thảo Luật giữ quy định 2 cơ chế ra quyết định THA: cơ quan THA dân sự chủ động ra quyết định THA và ra quyết định THA theo yêu cầu; loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về đơn yêu cầu THA .  
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), quy định về cơ chế ra quyết định THA là một trong những vấn đề quan trọng của Luật này. Vì vậy, mặc dù UBTVQH đã giải trình đầy đủ tại Báo cáo số 747/BC-UBTVQH13, Chính phủ cũng đã có văn bản kiến nghị cho giữ như quy định hiện hành, nhưng để bảo đảm sự thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu về cả hai phương án. 
Tuy nhiên, ý kiến của các vị ĐBQH về phương án “bỏ quy định về đơn yêu cầu THA ” chưa có sự đồng thuận cao. Thực tiễn cũng cho thấy, cơ chế ra quyết định THA theo đơn yêu cầu đã bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận, tự nguyện của đương sự trong giải quyết các quan hệ dân sự. 
Hiệu quả hạn chế trong THA dân sự hiện nay chủ yếu do thực thi, không phải do vướng mắc từ quy định này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về yêu cầu THA như Điều 31 Dự thảo Luật (về tiếp nhận, từ chối yêu cầu THA).
Bảo vệ tốt hơn quyền của người mua tài sản bán đấu giá
Về miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, UBTVQH cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ Điều 61, không quy định việc miễn, giảm nghĩa vụ THA  đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; có ý kiến tán thành với quy định của Điều 61 nhưng đề nghị chỉnh lý về kỹ thuật văn bản. 
UBTVQH cho rằng, theo nguyên tắc của Bộ luật Hình sự, các hình phạt (gồm cả hình phạt tiền) đều được xem xét miễn, giảm. Việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (chủ yếu là hình phạt tiền) nhằm cụ thể hóa chính sách nhân đạo và thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước. 
Bên cạnh đó, cũng theo Dự thảo Luật mới được thông qua, việc bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người được giao tài sản để THA được quy định rõ hơn theo hướng: Người mua được tài sản bán đấu giá, người được giao tài sản để THA  được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó; trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THA dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. 
Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để THA thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, cũng theo UBTVQH, có ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng xác định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc bồi thường thiệt hại đối với trường hợp đấu giá thành nhưng bản án, quyết định bị sửa hoặc bị hủy.
UBTVQH nhận thấy quy định tại Điều 103 Dự thảo Luật là nhằm bảo đảm quyền cho người mua tài sản, người được giao tài sản để THA. Đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong trường hợp gây ra thiệt hại đã được quy định cụ thể tại Điều 33 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật. 
Người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA  của người phải THA cho cơ quan THA dân sự.
Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được THA  khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát.
(Trích điều 44 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự) 

Đọc thêm