Bất bình vì lỗi trong Thông tư về giấy tờ bắt buộc với xe máy

"Tại sao đường đường là một thông tư của Bộ Công an, một cơ quan lớn, có thẩm quyền lại có thể đưa ra lỗi "chết người" như thế. Lỗi trong thông tư quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hội và tâm lý nhân dân lại dễ dàng giải thích bằng từ "quên" hoặc là sai sót kỹ thuật. Liệu từ "quên" đó có đủ "bào chữa" cho những sai sót của cơ quan có thẩm quyền không?", độc giả Mai Văn Sáng (minhsang...@gmail.com), nêu ý kiến.

[links()] Ngay sau khi Pháp luật Việt Nam đăng tải bài "Ngỡ ngàng… quy định mới về giấy tờ bắt buộc với xe máy", rất nhiều độc giả gửi thư bày tỏ sự bất bình, bức xúc về lỗi trong Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của các Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/4. Hầu hết độc giả cho rằng, cần làm rõ và xử lý nghiêm túc việc để xảy ra lỗi trên.

Độc giả Phan Chánh Thông (thong... @gmail.com) viết: "Tôi không nắm rõ được quy trình khi ban hành một văn bản luật, nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều đơn giản và dễ dàng. Tại sao có cả Ban, Vụ... mà lại để có những sai sót ngớ ngẩn như vậy. Nếu người ban hành luật, làm luật sai để rồi sửa hoặc xin lỗi thì chúng tôi làm sai theo luật có được sửa..., xin lỗi không?".

Cùng quan điểm trên, độc giả Mai Văn Sáng (minhsang...@gmail.com) "chất vấn": "Tại sao đường đường là một thông tư của Bộ Công an, một cơ quan lớn, có thẩm quyền lại có thể đưa ra lỗi "chết người" như thế. Lỗi trong thông tư quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hội và tâm lý nhân dân lại dễ dàng giải thích bằng từ "quên" hoặc là sai sót kỹ thuật. Liệu từ "quên" đó có đủ "bào chữa" cho những sai sót của cơ quan có thẩm quyền không?".

Độc giả Đặng Phúc (dangphu...@gmail.com) nhận định: "Bản thân là người trong nghề chắc cũng phải hiểu rõ ngôn ngữ Việt Nam không đơn giản, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Làm luật mà quên chữ cũng giống như bác sỹ quên dao trong bụng bệnh nhân vậy. Ở đây, nguy hiểm ở chỗ không phải ảnh hưởng một người mà ảnh hưởng cả xã hội".

Độc giả Hồ Nhật Minh, ở Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP HCM (cona...@yahoo.com) cho rằng: "Đây là lỗi của cả một hệ thống quản lý việc ra Thông tư này. Tôi đề nghị hệ thống này xem lại cách làm Thông tư của mình một cách nghiêm túc và có trách nhiệm hơn".

Độc giả Nguyễn Quang (nguyenquang...@gmail.com): "Nhà nước cần có biện pháp nghiêm khắc với các cơ quan, cá nhân soạn thảo ban hành luật sai, phải xử lý theo luật. Hiện nay nhiều cơ quan ban hành quy định sai, không khớp nhau, gây phiền hà cho người dân, khi bị người dân hay báo chí phản ứng thì mới biết lỗi".

Độc giả Nguyễn Đăng Thứ (mr.dang...@gmail.com) đề xuất: "Cơ quan chức năng cần kiểm tra lại Thông tư và ra thông báo hướng dẫn cho những người đi xe máy biết. Đã là quy định thì khi ban hành phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và chính xác. Nơi đưa ra quy định phải có sự kiểm tra lại kỹ càng... Cứ thế này thì người đi xe máy chỉ có nước bỏ xe đi bộ mất thôi".

Độc giả Trần Phước Thanh (tranphuoc...@yahoo.com.vn) cũng đề nghị: "Nếu thông tư bị sai sót thì phải có hướng điều chỉnh và giải thích với người dân cho người dân khỏi hoang mang. Cái giấy "chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" dành cho xe máy (moto) thì chắc hẳn nhiều người dân chưa nghe và cũng chưa thấy bao giờ. Ra thông tư như vậy có phải làm khổ người dân không?.

Nếu mấy bác làm công tác giữ trật tự giao thông hỏi, người dân nói không có, không biết, không ai cấp, mấy bác lại xử phạt thì lúc đó cãi nhau à?. Mong Bộ chủ quản làm rõ vấn đề này càng sớm càng tốt để mọi người dân ở vùng xa như chúng tôi bớt lo lắng khi tham gia giao thông". 

Thông tư số 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an (Thông tư 11) nhằm hướng  thực hiện một số nội dung của Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/4/2013.

Tại Điều 6 Thông tư 11 quy định: “Tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện không  xuất trình được giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà người đó trình bày là có nhưng không mang theo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo qui định; tạm giữ phương tiện theo qui định”.

Như vậy, người điều khiển xe máy phải có ít nhất 3 loại giấy tờ bắt buộc, gồm: Đăng ký, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi văn bản này có hiệu lực, người dân hết sức bất ngờ vì họ hoàn toàn không biết giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là loại giấy tờ gì, ở đâu ra, sao lâu nay không thấy cấp?.

Một cán bộ Vụ Pháp chế ( Bộ Công an), cho biết, đó là do sai sót kỹ thuật: “Lẽ ra, cần có thêm chữ “nếu có” vào ngay sau cụm từ “giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” nhưng người làm luật đã để quên. Hiện tại, chúng ta chưa yêu cầu kiểm định an toàn kỹ thuật môi trường đối với xe máy nhưng tương lai sẽ áp dụng nên văn bản qui định trước để chờ thực hiện”.

Giải thích trên chưa phải là “đính chính” chính thức từ cơ quan ban hành nhưng dư luận tin đúng. Bởi vì, Thông tư 11 không chỉ duy nhất một lỗi tai hại nói trên mà còn rất nhiều lỗi kỹ thuật nghiêm trọng khác...

(Trích bài "Ngỡ ngàng… quy định mới về giấy tờ bắt buộc với xe máy", báo Pháp luật Việt Nam, đăng tải ngày 19/3)

PLVN (tổng hợp)

Đọc thêm