Bất chấp lệnh cấm biếu 'sếp' quà Tết để... an tâm

(PLVN) - Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về, lãnh đạo ở Trung Ương hay thành phố lớn phải nhăc nhở các địa phương không được ra Trung ương chúc Tết lãnh đạo. Việc năm nào cũng phải nhắc như vậy có nghĩa là việc lãnh đạo địa phương ra Trung ương chúc Tết vẫn còn, cấp dưới đi Tết cấp trên, tạo nên nhiều xì xào trong dư luận.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết, tặng quà cho thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân.

Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...

Nhưng rồi, việc đi tết lãnh đạo vẫn xảy ra và hầu như việc “cấm đi Tết lãnh đạo” không có tác dụng, vì không có chế tài xử lý cụ thể cho việc "thăm hỏi" giữa cấp dưới với cấp trên.

Năm nào cũng cấm quà cáp, biếu xén, cấm đi Tết cấp trên, từ các ngành đến các địa phương. Nhưng biếu vẫn cứ biếu.

Những ngày này, tôi vẫn nghe điện thoại bạn tôi nói đang ở Hà Nội và đang đi chúc Tết lãnh đạo. Họ nói năm nào cũng phải làm vậy, không đi là không được. Vì chuyện làm ăn, kinh doanh…nếu không đi lỡ năm sau lãnh đạo không ký duyệt cho. Nên vẫn phải đi cho chắc, không đi không an tâm.

Việc chúc tết vốn là một phong tục đẹp, nhưng bây giờ phong tục đó đã thành chuyện lễ lạt, ninh nợ nhau với nhiều ý đồ không trong sáng. Cái lễ mừng năm mới không còn đơn sơ nữa mà bao hàm nhiều chuyện “đi đêm”, sân sau, toan tính cho việc thăng quan tiến chức, chạy dự án, vận động hành lang cho doanh nghiệp…

Nói là cấm, nhưng cấm sao được khi mà con người quen biết nhau đến nhà nhau, thăm hỏi, gửi món quà nhỏ, to, và khi mở rộng cửa đón khách thì câu chuyện chúc tết trong nhà đã hoàn toàn khác. Nó không còn nguyên vẹn tinh thần trong sáng.

Và thế chuyện cấm chỉ nói với nhau mang tính tuyền truyền chứ không thể xử phạt, vì quan hệ,  người ta vẫn tìm đến với nhau để chúc tụng trong năm mới.

Muốn xử lý triệt để nạn hối lộ, biếu xén nhân dịp Tết, trung thu, sinh nhật, lên chức thì người đứng đầu phải liêm chính, việc thực thi luật pháp phải nghiêm, nhân dân cũng như cac cơ quan giam sát phải lên tiếng ngay khi phát hiện có việc biếu xén cấp dưới với cấp trên, hình thức xử lý phải rõ ràng, nghiêm túc…thì tệ nạn quà cáp sẽ giảm dần.

Cũng có những cuộc gặp gỡ đầu năm quý giá, học trò tặng thầy món quà ghi ơn, anh em, bạn bè nhớ nhau, người thành công nhớ ơn người đã giúp đỡ mình trong khó khăn…Đó là truyền thống quý báu nên gìn giữ, nhưng khi lệ tục đó biến thành ý đồ man trá thì chuyện lễ Tết đã thành hủ tục của hối lộ, mang nhiều lợi ích không trong sạch.

Cấm được nạn biếu xén ngày Tết cũng khó như việc cấm cấp dưới nịnh bợ cấp trên. Giờ chỉ trông chờ người lãnh đạo thật liêm chính để biết coi thường những kẻ luồn cúi, biết từ chối mòn quà cám dỗ. 

Đọc thêm