Bất động sản Việt Nam tiếp tục hấp dẫn dòng vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những chỉ số tích cực về tăng trưởng kinh tế và khả năng phòng chống dịch Covid-19… đã khiến hình ảnh Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận trong quý I/2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 597,7 triệu USD, chiếm 14,6%. Riêng tại TP.HCM có 7 dự án vốn FDI đăng ký 117,4 triệu USD được cấp phép mới.

Trước đó, năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với vốn FDI đăng ký gần 4,2 tỷ USD, cao hơn số vốn 3,88 tỷ USD của cả năm 2019. Trong số này có tới 2 tỷ USD rót vào thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đã và đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chính trị bình ổn và sự tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô.

“Việt Nam sẽ trở thành điểm mới thay thế nhiều nguồn cung bất động sản trên toàn cầu”, TS. Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam chia sẻ tại một hội thảo mới đây.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn giữ được tăng trưởng dương và hội đủ các yếu tố để tăng tốc khi dịch bệnh được khống chế. Đây là một cơ hội rất lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam khi khơi thông được nguồn cung và thu hút đầu tư nước ngoài.

PGS.TS Trần Kim Chung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, các chính sách ứng phó với đại dịch và điều hành kinh tế của Việt Nam trong vòng 1 năm qua rất đúng đắn và đem lại kết quả tích cực. Việt Nam đang nằm trong vùng tăng trưởng của thế giới với nền kinh tế ổn định. Chính phủ quyết tâm triển khai vốn đầu tư là cú hích rất lớn cho phát triển kinh tế. Quan hệ quốc tế vô cùng thuận lợi với các hiệp định FTA, RCF, CPTTP đã khẳng định vị thế của Việt Nam từ nước đến sau trong WTO trở thành nước đi đầu, áp đặt cuộc chơi cho thế giới mới. Xuất nhập khẩu và kết quả sản xuất rất tích cực.

“Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng trong năm 2021”, vị chuyên gia khẳng định và nói thêm, sức khỏe nền kinh tế và bất động sản của Việt Nam đang nằm ở mức A đến mức A+.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, năm 2020 có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng với những con số đó là nhu cầu về địa điểm sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu làm việc sinh sống cho các chuyên gia...

Sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu về các loại hình bất động sản gia tăng, điều này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thuận lợi của dòng vốn trong tương lai.

Thu hút FDI vào bất động sản
Bất động sản Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, du lịch và sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư nước ngoài còn nhìn thấy môt dư địa tăng lợi nhuận lớn khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khu vực trung lưu của Việt Nam hiện nay là 13% dân số sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Đây là một tập khách hàng vô cùng lớn và tiềm năng cho các sản phẩm trong tương lai như căn hộ cao cấp, bất động sản trong đô thị tích hợp, second home, shophouse…

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn rót vốn vào nhiều phân khúc bất động sản khác nhau tại Việt Nam, từ văn phòng đến nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự ven biển, bất động sản công nghiệp. Trong đó, bất động sản công nghiệp đang là “ngôi sao” sáng nhất.

Theo JLL, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn đầy tiềm năng và được các nhà sản xuất lớn để mắt đến dù dịch bệnh chưa chấm dứt hẳn. Trong những tháng đầu năm 2021, cả đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đề ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao, đạt gần 86% và 82%, tăng lần lượt 60 điểm phần trăm và 76 điểm phần trăm so với quý 4/2020.

Trong đó, đất công nghiệp vẫn là lĩnh vực nóng nhất đối với những nhà sản xuất mới hoặc để đáp ứng nhu cầu mở rộng của các nhà sản xuất hiện hữu, vốn được hỗ trợ bởi tiềm năng sản xuất lớn của Việt Nam. Do đó, hầu hết các chủ đầu tư khu công nghiệp tại phía Nam vẫn duy trì đà tăng giá đất mạnh và đạt đỉnh mới tại 111 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1/2021.

Giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ mở rộng sản xuất.

Đồng Nai và Bình Dương dẫn đầu nguồn cung cả nước về đất công nghiệp và nhà xưởng cho thuê và có thể duy trì vị thế này trong thời gian tới và sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ững nhu cầu ngày càng tăng của bất động sản công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp
Phân khúc bất động sản công nghiệp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất.

Dù đứng trước nhiều cơ hội từ “miếng bánh FDI” nhưng để có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài thật sự chất lượng, hướng tới phát triển bền vững, theo các chuyên gia, trước mắt cần tiếp tục tháo gỡ các nút thắt pháp lý dự án, khai thông thủ tục. “Tháo gỡ các nút thắt pháp lý là một trong những phương cách chính để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bất động sản Việt Nam”, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho hay.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, về thiết kế, dự toán, về khả năng xây dựng và quản lý các dự án để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, có thực lực, có khả năng kết nối thị trường du lịch, bất động sản quốc tế để đưa thị trường bất động sản Việt Nam lên tầm cao mới, kết nối và liên thông với cộng đồng quốc tế.

Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng cần chuẩn bị các điều kiện về tài chính, quyền sử dụng đât, các chương trình, dự án để đầu tư kinh doanh nhanh, gọn, dứt điểm từng dự án. Trong kinh doanh phải giữ gìn chữ “tín”, phải kinh doanh thực chất, tránh các hình thức mập mờ, thiếu thiện chí, không làm tròn trách nhiệm. Trong các hợp đồng cần phải rõ ràng cụ thể, tỷ mỷ và có quy trách nhiệm cụ thể theo các điều luật để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả pháp lý khi kinh doanh bất động sản.

Việc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài một phần để thu hút vốn, thu hút kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, có tầm nhìn và có thị trường, có khách hàng quen thuộc ở các nước có nền kinh tế phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài cho các dự án; tạo cho thị trường bất động sản luồng sinh khí mới, tạo ra đầu tư thực chất, gắn đầu tư với sản xuất, kinh doanh thực. Tuy nhiên, cần xác định cách thức và phương án liên doanh, liên kết, cẩn trọng trong hợp tác kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải cẩn trọng, cụ thể, rõ ràng và tỷ mỷ trong tìm kiếm đối tác ngoại khi liên doanh, liên kết. Cần các chủ đầu tư có nguồn lực, có kỹ năng trong xây dựng và kinh doanh bất động sản và phải có mục đích thực chất và gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư./.

Đọc thêm