Doanh nghiệp sai phạm “phản ứng” với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ
Như PLVN đã phản ánh, từ 10 năm nay, tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), “Dự án khu đô thị thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh” do Cty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư “ôm” gần 3600ha đất rồi bỏ không, vi phạm Luật Đất đai, Lâm nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thuế... Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra Kết luận thanh tra (KLTT) 929/KL-TTCP, kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án này. Tất cả Sở, ban ngành tỉnh đều đồng tình.
Thời gian đầu thực hiện dự án Đại Ninh, Lâm Đồng được đánh giá đã triển khai các thủ tục rất nhanh, thậm chí TTCP đánh giá tỉnh đã có sự “ưu ái” với dự án. Thế nhưng, sau này Sài Gòn Đại Ninh vẫn “kêu” “Thủ tục pháp lý kéo dài, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng”.
Triển khai kết luận của TTCP, ngày 16/9/2020, các Sở ngành tổ chức cuộc họp, nhưng DN sai phạm không đến dự, muốn dời ngày họp, đưa ra Văn bản 09/2020/BC-SGĐN, cho rằng KLTT của TTCP còn “một số vấn đề”, muốn “trình bày ý kiến bổ sung”, muốn thanh tra lại (phúc tra).
Trong KLTT 929, TTCP chỉ ra những sai phạm của dự án:
1. Được cho chuyển mục đích sử dụng 166 ha đất, miễn giảm 30%, phải nộp 158 tỷ (theo QĐ 737/QĐ-UBND ngày 16/4/2014); đến tháng 10/2018 cộng cả tiền phạt chậm nộp là 262 tỷ. Do DN không nộp, ngày 9/10/2018, tỉnh thu hồi quyết định chuyển mục đích và QĐ737, hoàn trả 166ha về trạng thái đất chuyên dùng.
2. Sài Gòn Đại Ninh nợ tiền bồi thường thiệt hại, tài nguyên môi trường rừng (do để hàng trăm ha rừng được giao quản lý bị phá, lấn chiếm).
3. Sài Gòn Đại Ninh xây công trình hội trường không phép (khoảng 560m2).
4. Đến 31/12/2018, dự án đã hết thời hạn đầu tư.
Thế nhưng trong Văn bản 09, Cty vẫn cho rằng mình “không vi phạm về nghĩa vụ tài chính như Kết luận của TTCP”; cho rằng “số lượng rừng và lâm sản đã bị mất như đoàn thanh tra kết luận là không thực tế”; cho rằng TTCP kết luận “một số hạng mục không GPXD (...) là không đúng”; cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ vì “năm 2018 khi DN sẵn sàng triển khai dự án thì bị Thanh tra Chính phủ”.
Từ những “giải trình” trên, Cty đề nghị “thực hiện quyền giải trình khiếu nại với KL929 của TTCP”; “cam kết có đủ năng lực tài chính”; đề nghị cho Cty “tiếp tục triển khai dự án Đại Ninh”; và “cho Cty thực hiện nghĩa vụ tài chính theo QĐ 737/QĐ-UBND năm 2014 của tỉnh”.
Một góc “siêu dự án” 25 ngàn tỷ. |
Những giải trình sai sự thật
Những “giải trình” như trên bị đánh giá là sai sự thật.
Sài Gòn Đại Ninh có vi phạm nghĩa vụ tài chính hay không? Đến hết tháng 10/2018, Cty này bị phạt chậm nộp hơn 104 tỷ. Trước đó, ngày 9/1/2018, Bộ Tài chính có Kết luận thanh tra 297/BTC-TT, nêu rõ: “Tiền SDĐ của Sài Gòn Đại Ninh 158,238 tỷ đồng. Trường hợp DN không có khả năng thực hiện, tỉnh xem xét đánh giá trên cơ sở thực tế thực hiện dự án, chuyển sang cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm, hoặc thu hồi dự án”.
Cty đã không có khả năng tài chính, nên UBND tỉnh mới thu hồi các quyết định đã ban hành, hoàn trả 166ha đất về trạng thái đất chuyên dùng. “Tất nhiên số tiền phạt chậm nộp hơn 104 tỷ với Đại Ninh, tỉnh cũng không thực hiện nữa. Nhưng phải khẳng định Sài Gòn Đại Ninh vẫn vi phạm nghĩa vụ tài chính”, một chuyên gia đánh giá.
Số lượng rừng và lâm sản tại dự án đã bị mất như đoàn thanh tra kết luận có chính xác hay không? Đã ít nhất 3 lần cơ quan chức năng Lâm Đồng có các cuộc kiểm tra thanh tra, báo cáo sự việc này. Theo báo cáo ngày 20/6/2018 của Sở NN&PTNN, trong dự án, diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm hơn 166ha. Hai năm sau, theo Kết luận 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh và báo cáo ngày 25/3/2020 của UBND huyện, dự án để xảy ra tình trạng phá, lấn chiếm rừng hơn 368ha. Con số này ngày càng lớn, vì “lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng” của Cty quá mỏng, chỉ 10 người “quản lý” hơn 1000 ha rừng.
Cty đổ lỗi “đã rà soát lại diện tích rừng theo lịch sử ảnh vệ tinh ngày 24/10/2010 trước thời điểm nhận bàn giao, thì diện tích rừng đã bị mất trước đó rất nhiều”; có hợp lý không?
Một chuyên gia lâm nghiệp phản bác: “Năm 2019 Cty mới rà soát theo lịch sử ảnh vệ tinh 9 năm trước đó, thì khó có thể nhận định được điều gì vì thời điểm 2010 công nghệ chưa phát triển và đó chỉ là phương pháp tham khảo, không có giá trị pháp lý. Quan trọng là Cty đã nhận bàn giao rừng, ký nhận hay chưa?”.
Trả lời câu hỏi này, cơ quan chức năng khẳng định: “Sài Gòn Đại Ninh đã kiểm kê tài nguyên rừng, nhận bàn giao rừng; nên việc để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất thuộc trách nhiệm của DN”.
Cơ quan chức năng kết luận “một số hạng mục trong dự án vi phạm xây dựng” có chính xác hay không? Khoản h Điều 2 Nghị quyết 43/NQ-CP năm 2014 quy định “không yêu cầu cấp GPXD với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch 1/500”. Tuy nhiên, sau đó điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 đã quy định rõ hơn “nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 đã có quy hoạch 1/500” mới được miễn phép. Dự án xây hội trường 560m2, nên không thuộc trường hợp miễn GPXD. Xác định Sài Gòn Đại Ninh vi phạm xây dựng là chính xác.
Giải trình của Cty “năm 2018 khi DN sẵn sàng triển khai dự án thì bị Thanh tra Chính phủ”; có hợp lý không? Như PLVN đã phản ánh, đăng ký đầu tư 25 ngàn tỷ, sau gần 10 năm mới hoàn tất 1 hội trường, xây dở 1 hội trường và 15 “chòi chuyên gia”, san gạt vài đoạn đường đất... thì lý do trên không thể chấp nhận.
Mục tiêu Thủ tướng đặt ra trong QĐ704 nguy cơ bị phá sản vì những đề nghị vô lý của Sài Gòn Đại Ninh. |
Đề xuất khó chấp nhận
Trước KLTT của TTCP, Cty đề xuất “tiếp tục triển khai dự án”; “cho thực hiện nghĩa vụ tài chính theo QĐ737/QĐ-UBND của UBND tỉnh”. “Đề xuất” này bị đánh giá là thiếu căn cứ.
Theo QĐ 737/QĐ-UBND năm 2014 của Lâm Đồng, dự án được chuyển mục đích sử dụng 166 ha đất, miễn giảm 30%, phải nộp 158 tỷ. Quyết định này sau đó đã bị Bộ Tài chính thanh tra, nêu hướng xử lý như đã nêu ở đầu bài. Ngày 9/10/2018, UBND tỉnh ra văn bản thu hồi QĐ 737/QĐ-UBND. Như vậy, QĐ 737 đã không còn giá trị pháp lý.
Về phía TTCP, đánh giá về sự việc này, nhận định tỉnh đã “thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư”.
Bảng giá đất năm 2020 đã cao hơn rất nhiều so với 2014; QĐ737 đã không còn giá trị pháp lý; và bản thân QĐ737 khi còn hiệu lực đã bị đánh giá “có vấn đề về nội dung”. Vì vậy, đề xuất của Sài Gòn Đại Ninh nộp 158 tỷ để chuyển mục đích sử dụng 166 ha đất ở thời điểm hiện nay là yêu sách vô lý, thậm chí có thể gọi là vô lối. Đề xuất như vậy, khác gì đòi TTCP và Lâm Đồng một lần nữa lại “tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư”?
Vì sao Sài Gòn Đại Ninh lại “cố sống chết” đòi “ôm” dự án như trên? Theo các chuyên gia về quy hoạch, nguyên nhân đến từ việc những cánh rừng bạt ngàn này đã được quy hoạch là Đô thị Đại Ninh, là một đô thị trong vùng phụ cận của Đà Lạt, trong Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng phê duyệt điều chính quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050.
Trong QĐ704, hàng chục lần “Đô thị Đại Ninh” được nhắc đến. Đại Ninh sẽ là đô thị loại 5, quy mô dân số đô thị đến 2030 khoảng 16.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị đến 2030 khoảng 350 ha. Là đô thị chuyên ngành dịch vụ du lịch gắn kết khu du lịch sinh thái rừng hồ Đại Ninh; khu nghỉ dưỡng, du lịch hỗn hợp…
Diện tích gần 3600 ha mà Sài Gòn Đại Ninh “ôm”, phần lớn đều thuộc Đô thị Đại Ninh. Một chuyên gia đánh giá: “Xét theo quy hoạch này, thì dự án Đại Ninh rất có giá trị, như đang cầm vàng trong tay”.
Trong QĐ704, Thủ tướng đặt ra mục tiêu, đến 2030 xây dựng Đà Lạt và vùng phụ cận trong đó có Đại Ninh “thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế”.
Thế nhưng 10 năm qua, “đô thị Đại Ninh” vẫn chỉ nằm trên giấy, mắc nhiều sai phạm nhưng chủ đầu tư vẫn không chấp nhận cho thu hồi đất. Mục tiêu Thủ tướng đặt ra trong QĐ704 nguy cơ bị phá sản, vì những đề xuất thiếu căn cứ của Sài Gòn Đại Ninh.
Trong số báo ra ngày thứ Hai (5/7/2021), PLVN sẽ phản ánh sự thật về “năng lực tài chính”, kiểu “đầu tư” “bắc nước chờ gạo người” của Cty này.