|
Ông Macron và bà Le Pen |
Theo Reuters, cuộc bầu cử lần này được xem là cuộc bầu cử tổng thống Pháp quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Tại cuộc bầu cử này, các cử tri Pháp sẽ chọn giữa ông Macron, một cựu giám đốc ngân hàng có quan điểm ủng hộ châu Âu và bà Le Pen – một người hoài nghi châu Âu, từng lên tiếng khẳng định muốn bỏ đồng tiền euro và áp đặt các quy định để giảm đáng kể lượng người nhập cư ở Pháp.
Tại vòng 1 của cuộc bầu cử diễn ra hôm 23/4 vừa qua, ông Macron dẫn trước bà Le Pen 3 điểm nhưng ông được dự báo sẽ nhận được phiếu bầu từ các cử tri chủ nghĩa xã hội và trung hữu sau khi các ứng viên đại diện cho các nhóm này đã bị loại khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đua vào Điện Elysee năm 2017 cho đến nay đầy ắp những bất ngờ, nhiều người cho rằng bà Le Pen vẫn có khả năng bắt kịp đối thủ nhờ vào sự khéo léo trong việc lấy lòng công chúng của mình.
Trả lời phỏng vấn trước cuộc tranh luận, ông Macron khẳng định ông sẽ tích cực tranh luận để phản bác những chính sách được ông miêu tả là nguy hiểm với nước Pháp do bà Le Pen đưa ra. “Tôi sẽ không đưa ra những lời công kích hay xúc phạm. Tôi sẽ tranh luận tay đôi để làm bật việc những ý tưởng của bà ấy là những giải pháp sai” – ông nói.
Trong khi đó, bà Le Pen cho rằng chương trình mà ông Macron đưa ra có vẻ rất mơ hồ nhưng trên thực tế nó chỉ đơn giản là sự nối tiếp các chính sách của Tổng thống Francois Hollande. Bà cũng tái khẳng định việc muốn đưa nước Pháp ra khỏi khối đồng tiền chung euro và rằng bà hy vọng người Pháp sẽ có đồng tiền quốc gia của họ trong túi trong vòng 2 năm tới.
4 ngày trước khi bầu cử diễn ra, các thăm dò dư luận cho thấy ông Macron, 39 tuổi, đang dẫn trước đại diện của đảng Mặt trận quốc gia Le Pen. Theo thăm dò của Elabe, ông Macron dự kiến sẽ nhận được 59% phiếu bầu của cử tri ở vòng 2 của cuộc bầu cử trong khi bà Le Pen dự kiến chỉ được 41% phiếu bầu.
Theo các nhà quan sát, cuộc tranh luận ngày 3/5 có thể có ảnh hưởng tới kết quả bỏ phiếu, đặc biệt là với những người có thể sẽ bỏ phiếu trắng bao gồm nhiều người ủng hộ ứng viên cực tả đã về thứ 4 tại vòng 1 cuộc bỏ phiếu vừa qua. “Điều mà ông Macron phải làm là thuyết phục những người đã không bỏ phiếu cho ông ta ở vòng 1 và những người không nhất trí với chương trình của ông ta rằng ông ta sẽ tôn trọng họ” – một bộ trưởng trong chính phủ sắp mãn nhiệm của Pháp nhận định.
Theo AFP, một số khảo sát những ngày gần đây cho thấy khoảng 1 trong 4 người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu trắng tại vòng 2 của cuộc bầu cử. Trong khi đó, 7/10 người khi được hỏi cho biết họ không hài lòng với lựa chọn của mình. Cuộc bầu cử tới đây cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1958 nước Pháp bước vào bầu cử với sự vắng mặt của các ứng viên cánh tả hay cánh hữu truyền thống trong vòng bỏ phiếu thứ 2.