“Trùm tài chính” không bào chữa bằng luật
Nếu suốt phần thẩm vấn, bầu Kiên luôn “nói luật” với HĐXX để chứng minh mình không phạm tội thì bất ngờ hôm qua, bị cáo thực hiện phần tự bào chữa cho mình mà không cần đến một quy định pháp luật nào.
Bầu Kiên khẳng định mình không kinh doanh trái phép, không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước vì 6 Cty Kiên thành lập là hợp pháp và được Phòng đăng ký kinh doanh của Hà Nội và TP.HCM cấp. Với quy kết tội kinh doanh vàng trái phép, bị cáo khẳng định không kinh doanh vàng, thực chất là đầu tư vào chứng từ có giá, là đầu tư tài chính và điều này được thể hiện trong hợp đồng ký kết với ACB.
Không phải là kinh doanh vàng nên không là kinh doanh hàng hóa và không phải đăng ký kinh doanh, nhưng nếu kinh doanh hàng hóa thì Cty của bị cáo cũng không làm trái vì trong giấy phép kinh doanh, có ngành nghề kinh doanh hàng hóa.
“Với những nội dung trên, tôi có đủ căn cứ xác định tội không kinh doanh trái phép mà không cần hỏi ai vì đã được minh định trong pháp luật sẵn có. Rất may, một lần dẫn giải từ trại tạm giam tới Tòa án tôi được nghe đài nói có nội dung Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó xóa bỏ nội dung ngành nghề kinh doanh trên đăng ký kinh doanh, chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu thế sẽ là điều giải oan đối với tôi” - "bầu" Kiên nói.
Với tội “Trốn thuế”, Kiên phản bác lại luận tội của VKS cho rằng mình trốn thuế do biết Quốc hội có chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2009, bầu Kiên đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu để nói tôi biết? Tôi là một công dân
không thể nói tôi biết được nội dung làm việc của Quốc hội, không biết Quốc hội có ấn nút chấp thuận hay không? Đây là một sự áp đặt, vu khống, quy chụp tôi”. Chứng minh thêm không trốn thuế, bầu Kiên nói không dại gì khi ký nhận ủy thác từ em gái để bù lỗ cho em vì bị cáo hứa với em trong giao dịch này nếu lỗ thì bị cáo sẽ hỗ trợ.
Nhận định của VKS cho rằng hợp đồng ủy thác giữa em gái và Kiên là hợp đồng trá hình để trốn thuế trót lọt cũng bị bầu Kiên phản bác và cho rằng ký ủy thác theo đúng trình tự quy định của pháp luật, những người ký đều có năng lực hành vi. Mặt khác, có văn bản của Tổng cục Thuế nói cần phải hỏi ý kiến thêm của Ngân hàng Nhà nước trong việc này nhưng đến nay Tòa vẫn chưa hỏi mà kết tội là không thỏa đáng.
Bầu Kiên suýt khóc khi nói về bầu Long
Thừa nhận mình khá bức xúc khi bào chữa 4 tội cho mình, bầu Kiên sắp khóc khi nói về tội “Lừa đảo”. Theo bị cáo, đây là tội khiến bị cáo buồn nhất vì là một doanh nhân uy tín bị mang tiếng lừa đảo bạn bè. Trong việc bán cổ phần cho Hòa Phát, bị cáo nói đơn giản đó là một nghĩa cử giúp “bầu” Long trong làm ăn, ngoài ra không có mục đích nào khác.
Kiên đề nghị: “Tôi đề nghị HĐXX cho anh Long nói để biết tôi có lừa đảo hay không. Một người lão luyện trong thương trường như tôi không bao giờ ngu dại chiếm đoạt của một người rồi lại đưa cho người đó gấp 3 số tiền chiếm đoạt”.
Kiên khẳng định quan hệ của mình với lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát không phải một sớm một chiều mà trong nhiều năm. Hòa Phát là khách hàng của ACB, trở thành một tập đoàn lớn là nhờ có sự hỗ trợ cộng tác của cá nhân Kiên và ACB. “Tôi không kể công nhưng điều đó chứng tỏ tôi không có ý chiếm đoạt”. Bầu Kiên cho rằng đây là việc dân sự và tố luôn cơ quan điều tra đã không làm đúng chức năng: “Tôi đã đề nghị cho tôi gặp anh Long vài phút thôi và sẽ giải quyết việc này nhưng cơ quan điều tra đã gây khó khăn việc này”.
Về tội lừa đảo, bầu Kiên cũng cho rằng VKS đã không xem xét đơn của Hòa Phát gửi tòa, trong đó khẳng định họ không tố cáo, khởi kiện hay yêu cầu ông Kiên bồi thường thiệt hại trong thương vụ này. Ở tội này, bầu Kiên còn khẳng định hợp đồng đã bị ai đó thay đổi, chỉ còn trang cuối là đúng.
Về tội “Cố ý làm trái”, Kiên phủ nhận việc mình có ảnh hưởng, gây áp lực, chỉ đạo lãnh đạo ACB trong việc ra chủ trương ủy thác, với vị trí lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập thì ý kiến của mình chỉ tư vấn, không có quyền quyết định. Tuy nhiên, bầu Kiên khẳng định việc ACBS hợp tác với hai công ty để mua cổ phiếu của ACB là không trái, ngay cả thời điểm sau khi bị bắt thì hai Cty này vẫn mua cổ phiếu của ACB.
Ngoài ra, bầu Kiên còn trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không đến dự tòa vì bị cáo là Hội viên của VCCI. Bị cáo này cũng cho biết trong trại tạm giam đã viết đơn kêu oan tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tòa án, VKSNDTC và tố cáo, đề nghị thay đổi điều tra viên nhưng không biết có đến được đúng địa chỉ hay không.
Dự kiến hôm nay sẽ bắt đầu tranh luận “nóng” giữa VKS với các bị cáo, luật sư và đặc biệt là lời khai của bầu Long về việc bầu Kiên lừa đảo khi bán cổ phần hay không.
Khoảng 14h45 chiều qua 29/5, chiếc xe ô tô chở ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương đã đến dự phiên tòa xử bầu Kiên và đồng phạm. Đây là lần thứ 3 ông Nguyễn Bá Thanh đến dự phiên tòa này, trước đó vào chiều 21 và sáng 22/5, ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã đến dự tòa. Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm là 1 trong 10 “đại án” được VKSNDTC đề xuất trong buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương vào hồi tháng 8/2013.