Bảy lần tiễn chồng con, bảy lần khóc lặng lẽ...

Bảy lần tiễn chồng con ra đi và họ đã mãi mãi không trở về, có lúc tưởng chừng như không trụ nổi, nhưng rồi thương chồng, thương con, thương bà con bị địch giết, “lửa” căm thù bùng lên, mẹ Huỳnh Thị Điểm (99 tuổi, thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh) lại tiếp tục tham gia hoạt động chống càn và binh vận...

Mẹ VNAH Huỳnh Thị Điểm (99 tuổi, thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) 7 lần tiễn chồng con ra trận là 7 lần mẹ phải khóc thầm lặng lẽ, vì sự nghiệp thiêng liêng của đất nước.
Mẹ VNAH Huỳnh Thị Điểm vui tuổi già bên con cháu.
Mẹ VNAH Huỳnh Thị Điểm vui tuổi già bên con cháu.
Người mẹ kiên trung

Men theo con đường ĐT 616 từ trung tâm TP.Tam Kỳ, chúng tôi tìm đến nhà mẹ Điểm vào một ngày cuối tháng 9 dưới cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà lưu niệm khang trang mới hoàn thành vào ngày 27/7 vừa qua, do UBND huyện Phú Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 425 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phi Thạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Những hy sinh, đóng góp của mẹ Điểm đối với sự nghiệp cách mạng thật to lớn, không có gì bù đắp được. Chúng tôi đau đáu với tâm niệm là phải làm điều gì đó thật ý nghĩa để tri ân các mẹ, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay. Từ mục đích đó, ý tưởng xây dựng Nhà lưu niệm mẹ VNAH Huỳnh Thị Điểm được chúng tôi đặc lên hàng đầu”.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mẹ Điểm vẫn còn khỏe mạnh.

Mẹ Điểm tâm sự: “Mẹ không chỉ có chồng con hy sinh cho cách mạng mà bản thân mẹ cũng trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt lên, bắt xuống đánh đập tra tấn dã man nhưng mẹ nhất quyết không khai. Lần lượt những người con, rồi đến chồng hy sinh, mẹ vẫn nén nỗi thương đau để hoạt động cách mạng”.
  
Nước mắt 7 lần tiễn chồng, con

Mẹ ngồi bên con cháu kể lại nỗi đau mất mát của mình. Con đầu lòng của mẹ là anh Thái Viết Tỏ (SN 1942) mãi mãi ra đi khi tuổi đời mới tròn 19.

Anh Tỏ hoạt động tại một cơ sở nằm vùng của ta, nhưng địch không có cơ sở để minh chứng anh hoạt động cách mạng, nên một hôm vào đêm mưa gió của năm 1961, bọn chúng nửa đêm đột nhập vào nhà đưa anh đi xuống dưới cầu ông Ái (thuộc địa phận Tam Đại) và giết anh.
Ngôi nhà lưu niệm khang trang của mẹ Điểm vừa hoàn thành.
Ngôi nhà lưu niệm khang trang của mẹ Điểm vừa hoàn thành.
Nỗi đau chưa nguôi, năm 1964, mẹ lại tiễn một người con nữa lên đường tòng quân là anh Thái Viết Thông (SN 1945). Năm 1966 trong một lần chống càn quét của địch, anh Thông anh dũng hy sinh.

Khi xác anh Thông được đưa về, mẹ nức nở, nghẹn ngào, nhưng mẹ nén đau thương tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 4/1967, một nỗi đau lớn nữa lại đến với mẹ, đó là sự hy sinh của anh Thái Viết Thương. Đến năm 1969, anh Thái Viết Dương, người em kế của anh Thương và là Trung đội trưởng du kích vĩnh viễn ra đi trong một đợt chống càn quét của địch.

Con trai hy sinh hết, mẹ lại tiễn con gái lên đường hoạt động cách mạng. Thế nhưng, cuộc chiến ác liệt lại tiếp tục cướp đi những người thân yêu của mẹ.

Năm 1971, chị Thái Thị Anh hy sinh trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Năm 1972, chồng của mẹ là ông Thái Viết Sơ và con gái là chị Thái Thị Ngọc (cán bộ Nông hội) đi chống địch mở trận càn vào thôn Long Sơn cũng bị địch sát hại.

Bảy lần tiễn chồng con ra đi và họ đã mãi mãi không trở về, có lúc tưởng chừng như không trụ nổi, nhưng rồi thương chồng, thương con, thương bà con bị địch giết, “lửa” căm thù bùng lên, mẹ lại tiếp tục tham gia hoạt động chống càn và binh vận.

Ông Thái Hữu Niệm, Phó Chủ tịch xã Tam Đại cho biết: “Từ năm 1965 đến 1975, mẹ Điểm đã đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược “ba mũi giáp công” chính trị, quân sự và binh vận ở Long Sơn. Trong đó, phải kể đến đợt Tổng tấn công mùa Xuân - 1968, mẹ trực tiếp dẫn đầu đoàn quân đấu tranh chính trị từ Long Sơn thẳng tiến về tỉnh.

Khi đoàn biểu tình đến cầu Trường Xuân (thuộc phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đã bị địch xả súng, rất nhiều người đã hy sinh và bị thương. Tuy nhiên, đoàn biểu tình do mẹ Điểm dẫn đầu vẫn ngẩng cao đầu, giương cao khẩu hiệu đấu tranh chống Mỹ đến cùng, quân ngụy phải rút lui...

Đến thời bình, mẹ vẫn tiếp tục cùng bà con lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương”.

Dù còn nhiều khó khăn, mẹ Điểm vẫn sống cuộc sống thanh bạch, giản dị, gần gũi và động viên cháu con sống có ích để xứng đáng với những gì mà các thế hệ đi trước đã hy sinh.

Ngày 27/9, Phòng Văn hóa huyện Phú Ninh đang tham mưu cho UBND huyện Phú Ninh lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh cho nhà lưu niệm mẹ Huỳnh Thị Điểm.
Trương Gia Hân 

Đọc thêm