Prince Claus Arwards là giải thưởng do Quỹ Hoàng tử Claus tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những cá nhân, tổ chức có hoạt động văn hóa, nghệ thuật hay kiến trúc tác động tích cực đến sự phát triển xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống nơi họ sinh sống.
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa được hội đồng giải thưởng trên đánh giá là người đã và đang tạo ra các công trình kiến trúc bền vững, bằng cách kết hợp các vật liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống với thiết kế trong thế kỷ XXI.
Những thiết kế của ông từ các kiến trúc đô thị lớn đến nhà ở đều bền vững, nhưng không tốn kém. Ông dùng thiết kế của mình để tiếp cận thiết kế đô thị, định hướng phát triển kiến trúc xanh trong tương lai và góp phần chuyển đổi cảnh quan đô thị của Việt Nam.
Tuy nhiên, cốt lõi trong tất cả các công trình thiết kế của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa là vận dụng kiến trúc như một phương tiện để kết nối con người với thiên nhiên.
Chúng ta đã và đang nghe nhiều đến cụm từ “phát triển bền vững” trong không ít nghị quyết. “Phát triển bền vững” và “phát triển xanh” trong thời kỳ “biến đổi khí hậu” là vô cùng quan trọng. Ngay kiến trúc nhà ở đã phải thể hiện “Chiến lược phát triển xanh” của Việt Nam.
Kiến trúc xanh không những mang lại lợi ích kinh tế, môi trường, sức khoẻ cho người dân mà cũng đóng góp tích cực làm giảm sự biến đổi khí hậu. Kiến trúc xanh là một hướng đi đúng đắn, gợi mở tương lai hết sức sáng sủa và rất phù hợp với các nước thuộc khu vực nhiệt đới với nền kinh tế đang phát triển như nước ta.
Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân, chúng ta đang phát triển vô tổ chức. Có một câu chuyện đáng suy nghĩ: Một người bạn Lào có lần đưa ra nhận xét, đi qua vùng Nghệ An – Hà Tĩnh (một thời rộ mốt xây nhà ở rất nhiều mái chóp. Bạn nói, nếu đi trên máy bay dễ nhầm với nước Lào vì cứ ngỡ là “mái chùa Lào”. Tức là kiến trúc nhà ở Việt thiếu bản sắc Việt, bản sắc vùng, miền chứ chưa nói “kết nối con người với thiên nhiên”. Ở đô thị thì đó là thảm họa “lò bát quái” trong các khu chung cư.
Hiện nay phong trào xây dựng “Nông thôn mới” phát triển rầm rộ, nhưng dường như thứ “nổi bật” ở nông thôn Việt Nam lại chính là “bê tông hóa” chứ không phải bảo tồn, gìn giữ không gian xanh.
Để mô hình kiến trúc xanh sớm được cộng đồng hiểu rõ, ứng dụng rộng rãi nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng ta cần tiến hành khảo sát, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ bài học kiến trúc truyền thống của ông cha ta cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa ra cơ chế, chính sách hợp lý, thiết thực để khuyến khích các nhà thiết kế, nhà xây dựng, nhà quản lý và của cả cộng đồng.
Kiến trúc xanh cũng vì đất nước xanh và bền vững.