Đang làm nhân viên văn phòng, Thành (27 tuổi, ngụ Gò Vấp) nghỉ ngang chuyển sang làm môi giới nhà đất tự do. Bằng những mối quan hệ của mình, thời gian đầu, Thành môi giới trung gian cho nhiều người bán nhà đất tìm được khách hàng. Mỗi căn nhà bán được, Thành lấy hoa hồng từ 1 - 5% tùy mức độ thân thiết với chủ.
"Mức độ hoa hồng cũng không có quy định gì đâu. Cái này tùy vào quan hệ và deal với chủ ra sao thôi, cũng tùy vào diện tích, giá bán nhà các thứ nữa. Nói chung thu nhập của tôi rơi vào tầm 10 triệu đến 100 triệu 1 lần bán." – Thành chia sẻ.
|
Mùa dịch, không thể ra đường, nhiều môi giới chật vật tìm cách thích nghi
Thu nhập "trong mơ" là vậy, nhưng chính Thành cũng thừa nhận nghề này không trải đầy hoa hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Chấp nhận từ bỏ công việc văn phòng, ngồi máy lạnh, Thành dấn thân ra đường với khói bụi, thức dậy từ sớm đi khắp các ngóc ngách và tìm cách móc nối với các người môi giới khác, hoặc các chủ nhà. Nắng mưa đã trải, theo Thành, để bán được một căn với mức thu nhập "khủng" như vậy, không dễ dàng gì.
"Bán được một căn có thể đủ ăn một vài tháng. Nhưng có khi mấy tháng liền chẳng bán được căn nào. Mùa dịch này, tôi chịu chết vì chỉ được ở nhà, chẳng đi đâu. Nhà treo biển cho thuê hay bán nhiều vậy nhưng tìm đỏ mắt chẳng có khách." – Thành ngậm ngùi.
Trong khi đó, Văn (môi giới bất động sản của một công ty tại TP.HCM) cho biết, anh nằm nhà đã hơn 2 tháng nay, "ăn" vào tiền tiết kiệm cá nhân.
"Lương cứng công ty trả tôi 3 triệu/ tháng thôi. Mà đó là khi chưa dịch. Bán được căn nào ăn hoa hồng căn đó, chứ lương cứng không sống sao nổi? Mùa dịch này, thực tế là vẫn có giao dịch. Nhưng là giao dịch online cầm chừng và rất ít khách hàng cọc giữ chỗ hay mua nhà như trước. Bởi, đặc thù bất động sản và uy tín của sale. Tôi may mắn vẫn có khách hàng hỏi thăm dự án và trao đổi qua lại. Có nhiều khách hàng thương gửi quà chúc bình an mùa dịch, đó là thứ khiến tôi ấm lòng những ngày này khi không thể đi đâu cũng chẳng thể bán hàng" – Văn cho hay.
Cũng theo Văn, người môi giới giữa tâm dịch Covid-19 đa phần lao đao nhưng vẫn có người lanh lẹ để thích nghi. Không còn được bước chân đi, họ chuyển hình thức lên mạng, bán nhà, mở ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, chiết khấu, giảm giá… Ứng dụng công nghệ và lúc này, bất động sản chính là món hàng online đáng giá.
"Nói ăn mì tôm cả tháng thì hơi quá vì chúng tôi có những cách xoay xở khác nhau. Nhất là thị trường tỉnh, vẫn bán cầm chừng được, chỉ cần có pháp lý đầy đủ rõ ràng là ổn. Tháng trước, khi chưa phong tỏa toàn miền Nam, tôi đăng bán miếng đất trên zalo, chụp hình sổ hồng, pháp lý rõ ràng, có giá chiết khấu cao, ngay lập tức khách hàng vô hỏi mua nhiều lắm. Thậm chí có người tham khảo và kiểm tra online xong chuyển khoản đặt cọc trước, đợi hết dịch xuống tận nơi mua" – Văn cho biết.
Giữa tâm dịch Covid-19, giãn cách xã hội là biện pháp tất yếu để ngăn ngừa dịch lây lan. Nhiều ngành nghề ảnh hưởng, trong đó có môi giới bất động sản. Nhưng với những người trẻ tiếp cận công nghệ như Thành hay Văn, việc thay đổi để thích nghi là bắt buộc. Hằng ngày, Văn online mạng xã hội, đăng các dự án mình đang theo, tìm cách kết nối hỗ trợ khách hàng công ty. Trong khi đó, Thành lập các group chủ nhà và khách hàng, tư vấn online và chủ yếu tận dụng nguồn khách quen để phát triển. Ngoài ra, Thành còn chuyển hình thức bán một số mặt hàng thiết yếu có liên quan để cầm cự, dù chẳng được là bao.