Với kích thước đầy ấn tượng: dài 270m, rộng 245m, cao 84m, Cung sừng sững giữa thành phố và thu hút sự chú ý của người qua đường.
“Ngôi nhà của Nhân dân”, tên gọi ban đầu của Cung, là đề án thiết kế của nữ kiến trúc sư trẻ Anca Petrescu. Tòa nhà có 12 tầng nổi và 8 tầng chìm, trong 8 tầng chìm có hầm xây để chống bom nguyên tử, với diện tích sàn là 365 ngàn m2 và 66 ngàn m2 diện tích xây dựng trên mặt đất.
Để xây được tòa nhà này, phải cần đến những khối lượng vật liệu khổng lồ: 1 triệu m3 đá cẩm thạch, 550 ngàn tấn xi măng, 700 ngàn tấn thép, 2 triệu tấn cát, 900 ngàn m3 gỗ, 3500 tấn pha lê, 200 ngàn m3 kính, 2800 đèn chùm, 220 ngàn m2 thảm, 3500 m2 da.
Tòa nhà có khoảng 1.000 phòng, phần lớn là văn phòng hành chính. Các phòng và sảnh lớn nằm ở bốn tầng đầu tiên. Đây là những khu vực chính thức, gây ấn tượng mạnh vì kích thước khổng lồ, như Sảnh Danh dự ngự ở ngay mặt tiền của điện, có chiều dài 150m, với 34 cột đá cẩm thạch; Sảnh Thống nhất, lớn nhất trong điện, theo thiết kế ban đầu được dành làm phòng dạ tiệc cấp nguyên thủ, có diện tích 2200 m2 và cao 16m.
Về mặt khối lượng, Cung Nghị Viện tương đương hơn 2% khối lượng của kim tự tháp Kheops ở Ai Cập và đứng hàng thứ ba trên thế giới. Hai vị trí đầu thuộc về Trung tâm Không gian Cap Canaveral ở Flordia và Kim tự tháp Quetzalcóatl ở Mêhicô.
Ngay từ đầu, Cung Nghị Viện được xây với mục đích làm trụ sở hành chính cho các cơ quan chính trị của Rumani. Dự án nằm trong khuôn khổ quần thể kiến trúc rộng lớn nhất, mang tên Trung tâm Dân sự, gồm trụ sở của các bộ, Thư viện Quốc gia, Nhà Khoa học và Kỹ thuật (hiện là Nhà Hàn Lâm), cùng với chỗ ở của quan chức.
Sau trận động đất năm 1977, nhiều khu vực ở Bucarest bị phá hủy. Khu vực sau đó được quy hoạch thành một trung tâm quyền lực. Để thực hiện dự án đồ sộ này, gần 1/5 GDP của Rumani vào thời kỳ đó đã được huy động và nhiều khu phố cổ ở Bucarest bị phá hoàn toàn để lấy đất. Quá trình xây dựng tòa nhà này đã cần một phần rất lớn nguồn vật chất và nhân lực của Rumani.
Các chuyên gia giỏi nhất nước về các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, kỹ sư đã được kêu gọi đóng góp vào dự án khổng lồ này. Người ta cũng huy động khoảng 12 ngàn quân nhân. Hơn 700 kiến trúc sư và 20 ngàn công nhân đã làm việc ngày và đêm thành ba ca, 24/24h.
Khu vực trung tâm thành phố, gần sông Dâmboviţa chảy qua thủ đô Bucarest, không chỉ là khu vực ít bị phá hủy nhất vì động đất mà còn nằm ở vị trí địa lý thuận lợi. Khu phố lịch sử Uranus-Izvor, một trong những khu cổ nhất của Bucarest, đã bị phá để nhường chỗ cho công trình đồ sộ này.
Khu vực bị phá có chiều dài là 4,5 km và rộng 2 km, chiếm gần 1/5 diện tích Bucarest. Vài nghìn ngôi nhà đã bị phá dỡ, rất nhiều công trình lịch sử có từ vài trăm năm cũng không còn. Trong số những công trình bị phá, phải nhắc đến bệnh viện Brâncoveanu, Bảo tàng Quân sự Trung ương, khu chợ Unirii, tu viện Văcăreşti. Vì vậy, giá trị về người và vật chất của tòa nhà này là vô giá.
|
Một căn phòng bên trong tòa nhà |
Vào cuối năm 1989, khi xảy ra một số biến cố, tòa nhà đã hoàn thiện được khoảng 60%. Sau đó việc xây dựng tòa nhà bị đình hoãn một thời gian, thậm chí còn có đề xuất phá đi. Công trường được tiếp tục trở lại vào năm 1992, nhưng với tiến độ chậm hơn nhiều so với trước.
Từ năm 1993, Hạ viện quyết định chuyển hoạt động từ Đồi Patriarchie, lúc đó là trụ sở của Hạ viện, về Nhà Cộng hòa, sau này đuợc gọi là Cung Nghị viện. Năm 2004, hội trường Thượng viện được khánh thành trong Cung Nghị viện, vào đúng lễ kỷ niệm 140 năm thành lập Thượng viện đầu tiên của Rumani và thiết lập hệ thống lưỡng viện.
Ngay năm 1994, Cung cũng mở cửa đón khách du lịch, qua hình thức hướng dẫn tham quan bằng nhiều ngôn ngữ: tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Số lượng khách tham quan tăng dần hàng năm. Nếu như năm 2004 có khoảng 117 ngàn khách tham quan, thì hơn 10 năm sau, con số này đã tăng lên hơn gấp đôi, 258 ngàn người vào năm 2016 và năm 2017 là 209 ngàn người.
Nhiều sự kiện quốc tế quan trọng đã được tổ chức tại Cung Nghị Viện Rumani, theo giải thích của Bộ phận Báo chí :
Ở đây cũng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quốc tế quan trọng với nhiều chính trị gia tham dự như: Phiên họp thường niên lần thứ 9 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào năm 2000, Thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 12 vào năm 2006, Thượng đỉnh NATO năm 2008, Phiên họp thường niên lần thứ 63 của NATO.
Cung còn muốn xích lại gần hơn với công chúng thông qua nhiều hoạt động được các phòng ban chuyên môn tổ chức, và mở cửa đón khách tham quan. Hội chợ, triển lãm đã trở thành hoạt động truyền thống ở đây: Triển lãm Cưới, Hội chợ Bất động sản hoặc nhiều hội nghị, hội thảo về các chủ đề khác nhau như y tế, khoa học và kỹ thuật, chính trị, kinh tế… vẫn diễn ra hàng ngày. Năm 1994, Liên hoan Quốc tế George Enescu lần thứ 13 đã được tổ chức cùng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ.
Ngoài ra, Cung cũng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá định kỳ như “Ngày mở cửa”, “Cửa Ngỏ dành cho trẻ em”, những khóa học chuyên ngành…