Bé gái 10 tháng tuổi nhập viện tại An Giang sau khi sốt cao 7 ngày, ho từng cơn. Điều trị kháng sinh hơn 10 ngày, bé vẫn sốt cao liên tục, thở mệt, tràn mủ màng phổi. Bé được đặt nội khí quản giúp thở, dẫn lưu màng phổi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) ngày 18/7.
Kết quả kiểm tra cho thấy khoang màng phổi chứa lớp dịch dày 14 mm, có đường rò thực quản vào khoang màng phổi phải, tổng trạng xấu, nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng. Cấy dịch màng phổi bệnh nhi dương tính với hai loại siêu vi khuẩn đa kháng Acinetobacter Baumannii và Klebsiella Pneumoniae. Năm 2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa hai loại này vào danh sách các loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe con người.
|
Dịch màng phổi dẫn lưu và xét nghiệm của bệnh nhi đầy mủ. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Các bác sĩ xác định nếu để lâu sẽ nguy cơ dò thủng thực quản, gây nhiễm trùng nhiễm độc lan toả nguy hiểm tính mạng. Bé được hội chẩn quyết định phẫu thuật cấp cứu. Bác sĩ Tạ Huy Cần cho biết, sau hơn 3 giờ căng thẳng, kíp mổ đã cắt đoạn thực quản thủng, mở dạ dày tạm ra da, rửa và dẫn lưu tháo mủ khoang màng phổi, sinh thiết mô bệnh gửi giải phẫu bệnh lý.
Sau phẫu thuật bé tiếp tục được hồi sức tích cực, dùng kháng sinh phổ rộng bao vây, kháng nấm, nằm phòng cách ly và hạn chế nhiễm trùng tối đa. Trải qua 2 tuần được theo dõi sát, bệnh nhi dần qua được nguy kịch. Hiện cháu đã cai máy thở, mủ ở màng phổi được xử lý triệt để, giảm sốt. Sắp tới bé sẽ tiếp tục được theo dõi, điều trị nhiễm trùng và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật triệt để.
Tại các bệnh viện lớn nước ta những năm gần đây không ít lần ghi nhận các trường hợp xuất hiện chủng vi khuẩn toàn kháng, kháng hết tất cả các nhóm. Vi khuẩn ngày càng có xu hướng đề kháng kháng sinh nhanh hơn, nhiều hơn và đề kháng đồng thời nhiều kháng sinh ở mức độ cao. Việt Nam là nước được thế giới cảnh báo đặc biệt về nạn kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như vệ sinh tay, vệ sinh môi trường là cách duy nhất hiện nay có thể làm giảm nguy cơ lây truyền. Theo khuyến cáo của WHO, cơ thể người bệnh kháng thuốc cũng có nguyên nhân do lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách. WHO kêu gọi các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh và chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp cần thiết ở cả người lẫn động vật.