Giao HĐND quyết định lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh
Về tên gọi của Dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND cấp tỉnh, hiện còn 2 ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất đề nghị ghi rõ tên của Nghị quyết này là: “Nghị quyết về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.
Trong khi đó, ý kiến thứ hai đề nghị xác định tên gọi là “Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh”, bỏ cụm từ “thành lập”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi các Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND của các địa phương. Ủy ban Thường vụ nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đầy đủ trình Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định tên gọi có hai phương án, trong đó giữ hay bỏ cụm “thành lập”, qua thảo luận đa số ý kiến trong phiên thảo luận đề nghị giữ nguyên cụm từ “thành lập” vì tên gọi này nêu đầy đủ nội hàm của Nghị quyết trong đó có việc xác định cơ quan nào tại địa phương có thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Đồng thời, việc quy định như vậy đã kế thừa Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 và Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây.
Về thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giao HĐND quyết định vì theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND không có thẩm quyền này.
Về biên chế, tổng biên chế do địa phương quyết định, trên cơ sở xác định vị trí việc làm và bảo đảm nguyên tắc tổng biên chế không vượt quá số lượng hiện hành. Về số lượng phó trưởng phòng, qua thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau, tuy nhiên trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị quyết và lấy ý kiến các địa phương thì đã thống nhất dựa trên cơ sở tiêu chí Chính phủ quy định cho các cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành phố.
Đối với kinh phí hoạt động, trụ sở, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã quy định rõ giao cho chính quyền địa phương bố trí trụ sở của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Kinh phí của Đoàn ĐBQH do Văn phòng Quốc hội giao cho Đoàn ĐBQH ở địa phương. Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh do chính quyền địa phương đảm bảo.
Hoàn thành khối lượng lớn công việc tại Phiên họp 48
Toàn cảnh phiên bế mạc Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 48, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau 6,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc Phiên họp thứ 48, hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó đã cho ý kiến 05 Dự án Luật, 03 Dự thảo Nghị quyết và nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tuy Phiên họp diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không phải điều chỉnh chương trình; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã chủ động sắp xếp thời gian công việc dự họp, tích cực tham gia ý kiến vào các dự án Luật và các nội dung quan trọng trong Phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Sau Phiên họp, đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện các bước tiếp theo, nhất là các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới; đảm bảo gửi tài liệu sớm nhất tới các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các Dự thảo Nghị quyết để ban hành.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, trong việc chuẩn bị Phiên họp lần này, vẫn có những nội dung gửi chậm tài liệu, khó khăn cho các cơ quan thẩm tra; do đó đề nghị các cơ quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt hơn các nội dung Phiên họp thứ 49 tới đây, đảm bảo thật tốt cho việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông qua chương trình Phiên họp thứ 49 đến các cơ quan hữu quan, đảm bảo khẩn trương chuẩn bị tài liệu, tránh phải bổ sung gấp các nội dung, nhất là về nhân sự và các nội dung quan trọng khác.