Bé trai 3 tuổi tố tội gã con rể táng tận lương tâm

(PLO) - VKSND Cấp cao tại Hà Nội vừa ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Mai Đắc Dao (62 tuổi, trú tại xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) phạm tội “Giết người” đã bị tòa sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 11 năm tù, nạn nhân là mẹ vợ của bị cáo.
Bé trai 3 tuổi tố tội gã con rể táng tận lương tâm

Theo quan điểm của VKSND Cấp cao tại Hà Nội, hành vi của bị cáo là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, gây dư luận xấu trong xã hội, làm băng hoại đạo đức và luân thường đạo lý… nên không áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 47 Bộ luật Hình sự (BLHS). 

Theo nội dung bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình, bị cáo Mai Đắc Dao có vợ là bà Phạm Thị Kim, con cái hai người đều đã trưởng thành, hai người đã có cháu nội, ngoại. Cùng sống với vợ chồng Dao còn có cụ Đỗ Thị Hòa (SN 1912, mẹ đẻ bà Kim, mẹ vợ Dao). Thời điểm bị sát hại, cụ Hòa đã thọ 104 tuổi, đang mắc bệnh hen suyễn, nằm liệt giường. Tuy ốm yếu phải có người chăm sóc nhưng cụ Hòa vẫn tỉnh táo, minh mẫn.

Ngày 31/12/2015, Dao đi dự đám tang người làng về, có uống rượu. Khoảng 17h, khi về tới nhà, Dao nghe thấy tiếng cụ Hòa gọi con gái “Kim ơi” nhưng lúc này bà Kim đi vắng. Bực tức vì cụ Hòa nằm liệt giường đã lâu, phải thuốc thang chăm sóc, trở thành gánh nặng cho gia đình mình nên trong trạng thái vừa uống rượu, Dao đi vào giường cụ Hòa nằm, dùng đầu gối quỳ lên người cụ, đồng thời dùng tay bóp nhẹ cuống họng và bịt mũi mồm cụ Hòa. Cụ Hòa giẫy giụa khoảng một phút thì bất động.

Nghĩ cụ Hòa chết, Dao gọi điện thoại cho vợ là bà Kim nói “mình về xem bà bị làm sao”. Bà Kim chở cháu nội là Mai Quốc Bảo (3 tuổi) về, bà Kim xem qua tình hình mẹ, thấy cụ Hòa vẫn còn ấm, nghĩ rằng mẹ già chỉ bị ngất như mọi lần nên nên bà Kim đi tìm cán bộ y tế xã đến khám. Khi bà Kim đi, chỉ có Dao, cháu Bảo và cụ Hòa ở nhà. Sợ cụ Hòa được cấp cứu có thể sống lại nên Dao tiếp tục vào chỗ giường cụ Hòa nằm, dùng tay phải bịt mũi và mồm cụ dẫn đến tử vong. Lúc này cháu Mai Quốc Bảo đứng ở cửa buồng nên biết việc làm của Dao…

Trong quá trình thay quần áo, chuẩn bị tang lễ cho cụ Hòa, gia đình phát hiện hai bên cánh mũi của cụ có vết bầm tím, nhưng không ai nghi ngờ. Tang lễ xong xuôi, cháu Mai Quốc Bảo có kể cho con gái của Dao việc nhìn thấy ông nội bóp cổ cụ Hòa. Nghĩ rằng “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, cháu Bảo mới 3 tuổi không thể vu khống, dựng chuyện tày trời như thế nếu không phải được tận mắt chứng kiến hành động của Dao nên cô con gái của Dao báo cho bà Kim biết sự việc. Những người lớn đã hỏi đi hỏi lại cháu  Bảo nhiều lần và đều nhận được câu trả lời giống hệt nhau là “ông nội bóp cổ cụ Hòa”.

Biết chắc cái chết của cụ Hòa có nhiều ẩn ức, gia đình đã họp để hỏi Dao về nguyên nhân chết của cụ. Tại cuộc họp này, Dao đã thú nhận chính mình là người gây ra cái chết cho cụ Hòa. Gia đình còn chưa quyết định xem “đóng cửa bảo nhau” hay báo công an thì chiều hôm đó, Dao đã đi mua 5 gói thuốc chuột về tự vẫn nhưng được cấp cứu kịp thời nên không chết. Sau đó, Dao đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Cơ quan công an đã tiến hành khai quật tử thi nạn nhân, tại bản giám định pháp y tử thi kết luận, cụ Hòa tử vong do suy hô hấp, tuần hoàn do chèn ép ngực và tổn thương do tác động ngoại lực vùng miệng, cổ…

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình, mặc dù nhận định hành vi phạm tội của Dao là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đi ngược với truyền thống đạo hiếu tốt đẹp của dân tộc, gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận, nhưng Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; bị cáo có thời gian tham gia quân đội; đại diện cho người bị hại cũng đề nghị xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Dao. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 47 BLHS, cho bị cáo được hưởng dưới mức án thấp nhất của khung hình phạt, tuyên phạt bị cáo 11 năm tù về tội “Giết người”.

Song, quan điểm của VKSND Cấp cao tại Hà Nội thì cho rằng, mức án như vậy là chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo; trong trường hợp này, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được, bởi bị cáo “thực hiện tội phạm đến cùng”… Chưa kể, hành vi của bị cáo đi ngược với truyền thống đạo đức xã hội, gây hiệu ứng xấu trong dư luận.

Đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội trong phiên xử phúc thẩm tới đây xem xét, có mức án nghiêm khắc hơn để pháp luật thực thi nghiêm minh và công bằng.

Đọc thêm