Bến Tre chủ động ứng phó với xâm nhập mặn và đảm bảo cung cấp nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã phải đối mặt với một vấn đề xâm nhập mặn nghiêm trọng. Và trong số những địa phương chịu ảnh hưởng đáng kể thì tỉnh Bến Tre nổi lên như một điển hình.
Ông Trần Thanh Bình – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre.
Ông Trần Thanh Bình – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre.

Sau nhiều năm ứng phó cùng chính quyền và Nhân dân, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Công ty) đã thể hiện bước đi mạnh mẽ và đáng chú ý với các biện pháp đột phá và sự cố gắng không ngừng đóng góp quan trọng vào việc giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn và đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Phóng viên có buổi trò chuyện với ông Trần Thanh Bình – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, về những biện pháp và kinh nghiệm đã áp dụng để hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đồng thời đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân và doanh nghiệp trong tình hình khó khăn.

Nhiều phương án sẵn sàng ứng phó mùa khô 2023-2024

PV: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2023-2024 tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020, do đó việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sẽ trở thành một thách thức lớn. Trước dự báo trên, Công ty đã có những biện pháp gì để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân?

Ông Trần Thanh Bình: Chúng tôi hiện có 05 nhà máy sản xuất nước gồm: nhà máy nước (NMN) Sơn Đông, NMN An Hiệp, NMN Hữu Định, NMN Lương Quới, NMN Chợ Lách sản xuất, cung cấp nước sạch đảm bảo chất lượng và lưu lượng cho người dân trên địa bàn thành phố Bến Tre, một phần các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Tổng công suất 72.200 m3/ngày đêm với trên 95.000 đấu nối đồng hồ nước.

Ngoài việc tự sản xuất nước, thì chi nhánh cấp nước Giồng Trôm có tiếp nhận nguồn nước của Công ty TNHH MTV Giải pháp công nghệ nước và Môi trường Đỗ Hoàn Sinh (ĐHS) qua đồng hồ tổng để phục vụ người dân khu vực. Chi nhánh cấp nước Phú Tân có tiếp nhận nguồn nước của Công ty CP Sản xuất & Thương mại N.I.D (NID) qua đồng hồ tổng phục vụ nhu cầu sử dụng của khách hàng trong khu công nghiệp Giao Long và cụm công nghiệp Long Phước.

Trước những dự báo về tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, Công ty đã xây dựng kế hoạch ứng phó như: tiếp tục vận hành các hạng mục công trình ứng phó mặn đã được đầu tư xây dựng từ năm 2019 đến năm 2022, để phát huy hiệu quả ngăn mặn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Sử dụng đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình như vận hành hệ thống lọc mặn RO, công suất 3.000 m3/ngày đêm (NMN Hữu Định). Đồng thời ĐHS, NID tăng cường xử lý RO nhằm đảm bảo cấp nước an toàn cho việc cung cấp nước trong vùng phục vụ của Công ty. Lắp đặt các thiết bị quan trắc độ mặn online để giám sát độ mặn và chủ động đo mặn từ xa. Phối hợp vận hành lại các đập tạm đã có phía sông Ba Lai và các cống đập đã có phía sông Hàm Luông (cống sông Mã, cống Cả Quản, An Hiệp, Thành Triệu...) tạo thành hồ chứa nước ngọt phục vụ cho nhà máy nước Sơn Đông, An Hiệp và Hữu Định.

Đồng thời, Công ty cũng cải tạo và nâng cấp các hồ chứa hiện có để điều hòa hạ thấp độ mặn; lắp các thuyền bơm tại đập Thành Triệu để bổ cập nước ngọt cho khu vực trữ nước; phối hợp với Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi và các địa phương trong việc vận hành các cống ngăn mặn để lấy nước trữ, xả thau rửa nước vệ sinh môi trường trong lưu vực trữ nước một cách đồng bộ, hợp lí. Phối hợp tốt với các Sở, ngành tỉnh trong công tác phòng chống thiếu nước, hạn… Nếu nước trong khu vực trữ nước đã cạn Công ty sẽ cân nhắc để thực hiện phương án mua nước ngọt thô vận chuyển bằng sà lan để xử lý theo phương án cấp nước ngọt 3÷5 ngày/tháng.

Hệ thống lọc mặn RO công suất 3.000 m3/ngày đêm của Công ty. Ảnh: Nhựt Nam

Hệ thống lọc mặn RO công suất 3.000 m3/ngày đêm của Công ty. Ảnh: Nhựt Nam

Ngoài ra, một giải pháp có thể tính đến là tiếp nhận nguồn nước thô từ Công ty Cổ phần nước thô DNP - Sông Tiền (DNP) (dự án cấp nước liên vùng), nước thô ngọt được bơm từ Cái Bè chuyển đến các NMN của Công ty để xử lí và cấp nước ra mạng. Hiện nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ và lâu dài để đảm bảo bền vững an toàn, an ninh nguồn nước cho tỉnh Bến Tre nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chung thì việc cấp thiết và cấp bách là xây dựng Hệ thống cống tại các cửa sông chính thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, chúng ta không phụ thuộc nhiều vào lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Bởi vì khi xây dựng được các cống tại các cửa sông chính thì chúng ta chủ động hoàn toàn việc điều tiết nguồn nước, nếu nước trên thượng nguồn đổ về ít thì ta mở cửa xả ít, giữ mực nước ở thượng nguồn trong nội đồng sao cho không gây ngập lụt và giữ cao trình thủy lực trên các con sông chính đủ để đẩy nước mặn khi thủy triều lớn từ biển Đông vào.

Theo chúng tôi, nên ưu tiên xây dựng trước 01 cống trên sông Hàm Luông, 01 cống ở cửa sông chính thuộc nhánh sông Hậu,... Quá trình biến đổi khí hậu đã và đang diễn hết sức phức tạp gây ra các hậu quả như: nước biển dâng, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài làm cạn kiệt nguồn nước…Do đó, việc xây cống đập ngăn mặn từ cửa sông Hàm Luông là nhằm phục vụ công tác phòng chống nước mặn xâm nhập, trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất mang tính khu vực. Công ty tán thành ý kiến của lãnh đạo tỉnh, để giảm nguồn kinh phí và lợi ích kép, cần xây cống ngay cửa sông Hàm Luông kết hợp với làm cầu trên sông trong tuyến đường ven biển (thuộc dự án xây dựng tuyến đường ven biển phía Đông của vùng ĐBSCL theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ). Và khi hoàn chỉnh Hệ thống cống đập tại các cửa sông chính thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì khi đó sẽ giảm khá nhiều nhân lực cho công tác vận hành các cống lớn nhỏ khi có diễn biến hạn hán xâm nhập mặn xảy ra.

Hướng đến cung cấp nước sạch bền vững

PV: Trong quá trình tăng cường quản lý chất lượng nước, Công ty đã và đang thực hiện những dự án hoặc công nghệ nào để đảm bảo cung cấp nước sạch bền vững đạt chuẩn an toàn cho người dân Bến Tre?

Ông Trần Thanh Bình: Qua các năm, Công ty tiếp tục nâng cấp và đổi mới đầu tư giám sát chất lượng nước thô và nước sạch bằng các thiết bị quan trắc tự động, online; đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý mới tiên tiến nhằm tối ưu hóa các cụm xử lý giảm chi phí hóa chất và điện năng; đầu tư hệ thống lọc mặn RO, công suất 3.000 m3/ngày đêm nhằm đảm bảo cấp nước an toàn cho Khu công nghiệp Giao Long; giám sát lưu lượng và áp lực cấp ra mạng lưới bằng các logger truyền dữ liệu online trên mạng lưới…

PV: Được biết, trong hạn mặn lịch sử 2019 - 2020, Công ty đã áp dụng linh hoạt nhiều cách thức khác nhau để đưa nước sạch về với người dân. Các phương thức áp dụng là gì và những khó khăn phải đối mặt như thế nào? Từ đó, Công ty đã có những kế hoạch gì để ứng phó hạn mặn cho những năm tiếp theo?

Ông Trần Thanh Bình: Để khắc phục phần nào tác động của nước mặn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong hạn mặn lịch sử 2019 - 2020. Công ty đã tổ chức mua và vận chuyển nước sạch ngọt bằng sà lan từ Công ty cấp nước các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long để cung cấp cho các doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, khách sạn… trong vùng phục vụ, tổng lượng nước cấp: 143.768m3 với tổng chi phí là 11.8 tỷ đồng; lắp đặt 31 điểm cấp nước miễn phí tại các UBND xã, phường. Ngoài ra, Công ty còn đấu nối, cung cấp nước miễn phí cho 20 điểm xử lý mặn RO, với tổng lượng nước cấp miễn phí là 26.484m3. Nhằm chia sẻ khó khăn với các đối tượng dùng nước sinh hoạt trong thời gian xảy ra hạn mặn và dịch bệnh COVID - 19 thì Công ty thực hiện giảm trừ tiền nước với tổng số tiền là 12.2 tỷ đồng.

Việc vận chuyển nước bằng sà lan, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển lớn, phát sinh hằng năm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Để chủ động có nguồn nước ngọt khi xâm nhập mặn gay gắt, ngay sau mùa hạn mặn năm 2019 - 2020 Công ty đã chủ động đầu tư các cụm xử lý RO với công suất 3.000 m3/ngày đêm tại NMN Hữu Định. Xây dựng các cống đập tạm (thép hoặc đập đất) để ngăn mặn xâm nhập qua các kênh nội đồng… Xúc tiến hợp tác tiếp nhận nguồn nước ngọt với nhà đầu tư ĐHS và nước ngọt thô với DNP.

Hệ thống máy bơm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân tại chi nhánh cấp nước Phú Tân. Ảnh: Nhựt Nam

Hệ thống máy bơm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân tại chi nhánh cấp nước Phú Tân. Ảnh: Nhựt Nam

Hiệp lực cùng Nhân dân bảo vệ nguồn nước

PV: Bên cạnh nỗ lực cung cấp nguồn nước sạch thì Công ty đã có chương trình hay hoạt động nào nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả trong bối cảnh này?

Ông Trần Thanh Bình: Theo đó để nâng cao nhận thức cộng đồng, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, mặn với phương châm sử dụng nước tiết kiệm, không để lãng phí nước và không xả nước sạch xuống ao hồ tích trữ cho việc tưới cây. Đồng thời, hướng dẫn và chia sẻ các phương pháp sử dụng nước sinh hoạt một cách tiết kiệm hiệu quả trong hạn mặn đến người dân và tăng cường kiểm tra, giám sát tiêu thụ nước.

Ngoài ra, Công ty cũng phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền đến người dân chủ động trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, có ý thức bảo vệ nguồn nước, không làm cản trở dòng chảy ở các sông, kênh, rạch dẫn nước ngọt về các nhà máy nước.

Những hoạt động này giúp tạo ra một cộng đồng có nhận thức cao về việc sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả, từ đó đóng góp các phần vào việc cung cấp nguồn nước sạch bền vững và bảo vệ môi trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm