Bến Tre phấn đấu top 3 tỉnh về Chỉ số đổi mới sáng tạo của ĐBSCL

(PLVN) - Theo kết quả tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, tỉnh Bến Tre xếp hạng 28/63 cả nước, hạng 5/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với 37,65 điểm.

Sáng 18/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre phối hợp với Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Kết quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023 và đề xuất một số giải pháp nâng cao Bộ chỉ số ĐMST” thuộc đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng, tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh làm chủ nhiệm.

Kết quả điểm số PII 2023 của 63 tỉnh, thành.

Theo kết quả tính toán chỉ số ĐMST năm 2023, Bến Tre xếp hạng 28/63 cả nước, thứ 5/13 khu vực ĐBSCL với 37,65 điểm. Kết quả này đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng cũng đặt ra những thách thức cho Bến Tre trong việc nâng cao bộ chỉ số trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Bến Tre với điểm mạnh về tỷ lệ DN khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số DN mới thành lập đạt 100 điểm, tỷ lệ HSTH tham gia các cuộc thi nghiên cứu KH&KT đạt 92,35 điểm, Tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số đạt 84,14 điểm…

Kết quả điểm số PII 2023của các địa phương Vùng ĐBSCL

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre thông tin,năm 2024, Hội đồng đánh giá các cấp đã chứng nhận 68 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (đạt tỷ lệ 151%). Lũy kế đến nay, tỉnh Bến Tre có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 159 chủ thể.

Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu qua các thời kỳ Hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên các ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị

Chỉ số vay tài chính vi mô (TCVM)/GRDP là một trong 51 chỉ số thành phần để tính chỉ số ĐMST. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre - Bùi Thị Thuý Hằng khẳng định chỉ số này phản ánh sự sẵn có và dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng vi mô ở địa phương.

Theo cách tiếp cận trên thì tổng dư nợ cho vay TCVM đạt khoảng 6.000 tỷ đồng với hơn 183.000 khách hàng còn dư nợ (tính theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thì tổng dư nợ đạt gần 2.200 tỷ đồng với khoảng 41.800 khách hàng còn dư nợ).

Bà Bùi Thị Thuý Hằng cho biết chỉ số vay tài chính vi mô là một trong 51 chỉ số thành phần để tính PII

Để thúc đẩy phát triển tài chính vi mô, nâng cao tỷ lệ vay tài chính vi mô/GRDP trên địa bàn tỉnh, bà Bùi Thị Thuý Hằng đề xuất một số giải pháp như: Các tổ chức tài chính vi mô không ngừng nâng cao năng lực hoạt động các chương trình, dự án tài chính vi mô như tăng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, nhất là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhận diện khách hàng, cho vay và quản lý khoản vay.

Nhiều sản phẩm từ dừa được trưng bày tại hội nghị

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre... đã trình bày tham luận về một số giải pháp góp phần lấp đầy các cụm công nghiệp, nâng cao tỷ lệ các dự án đầu tư trong các CCN trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, Giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia NCKH nhằm nâng cao Chỉ số PII của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Truyền đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học

Ông Võ Văn Truyền - Phó giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn. Qua đó, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển KT – XH phục vụ cho văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

TS Nguyễn Minh Tuấn - Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết: Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (gọi tắt PII) nhằm đánh giá được bức tranh tổng thể hiện trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của từng địa phương. Dựa trên bộ chỉ số, các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH của địa phương mình dựa trên KHCN&ĐMST.

Phương pháp tính toán chỉ số ĐMST cấp địa phương của Việt Nam năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột. Trong đó, 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST, bao gồm: Thể chế; Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường trình độ phát triển của doanh nghiệp. Và 2 trụ trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH là: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tác động.

Đọc thêm