Bến Tre: Tăng cường truyền thông kiến thức pháp luật về quyền con người

(PLVN) - Sáng ngày 21/10/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị tập huấn pháp luật kiến thức pháp luật về quyền con người.
TS. Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL phát biểu khai mạc. Ảnh: Anh Như

Hội thảo nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức về các quyền con người, giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Từ đó, uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới được nâng cao.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Như

Phát biểu khai mạc, TS. Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông tin, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người đã và đang được nhà nước quan tâm, là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Ngô Quỳnh Hoa

Đây cũng là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Thực tiễn thời gian qua cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác PBGDPL về quyền con người.

TS. Nguyễn Mai Thuyên - Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội thông tin về quyền con người. Ảnh: Anh Như

Với chuyên đề Pháp luật quốc tế và Việt Nam về quyền con người, bên cạnh các nội dung cơ bản, TS. Nguyễn Mai Thuyên - Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh đến quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử của mỗi cá nhân. Đặc biệt, Việt Nam tự hào là quốc gia rất tích cực thúc đẩy quyền bình đẳng giới. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 72/146 quốc gia trên thế giới về chỉ số xếp hạng bình đẳng giới, nâng 11 hạng so với năm 2022.

Trưởng phòng Nghiệp vụ Điều phối, Cục Thông tin Đối ngoại nêu vai trò của thông tin đối ngoại. Ảnh: Anh Như

Về công tác thông tin đối ngoại về quyền con người tại Việt Nam, bà Phan Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Điều phối, Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) nêu rõ vai trò của công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng. Đây là “mũi nhọn” trong chính sách đối ngoại, như một công cụ tạo “sức mạnh mềm” cho đất nước.

Ngoài ra, thông tin đối ngoại còn là quan điểm, lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; quảng bá hình ảnh đất nước; phản bác thông tin sai lệch ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 07/09 các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 9-6-1982; Công ước về Quyền Trẻ em 1989, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990; Công ước về Quyền của Người khuyết tật 2006, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 7-11-2013 và phê chuẩn ngày 5-2-2015.

Để thực hiện hiệu quả Đề án truyền thông về quyền con người, Ngày 12/3/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền Thông) đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 04/CTPH-PBGDPL-TTĐN với mục đích phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật, các chủ trương, chỉ đạo mới trong lĩnh vực quyền con người và lĩnh vực thông tin đối ngoại; chia sẻ kinh nghiệm cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

Đọc thêm