“Bệnh thành tích” và thông tin vận động học sinh học kém không thi lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trên mạng xã hội đang xôn xao thông tin nhiều trường THCS ở Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực kém phải chuyển trường hoặc tự nguyện cam kết không thi vào lớp 10, tránh ảnh hưởng đến thành tích nhà trường.
Thi vào lớp 10 luôn là cuộc đua khốc liệt hàng năm.
Thi vào lớp 10 luôn là cuộc đua khốc liệt hàng năm.

Không có việc “ép” chuyển trường?

Theo thông tin trên mạng xã hội, có một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội định hướng cho học sinh có kết quả năm học 2021-2022 chưa cao không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2022-2023, cũng như các năm tiếp theo.

Theo chia sẻ của phụ huynh, việc nhà trường “ép” học sinh phải chuyển trường hoặc ký cam kết không thi lên lớp 10 đã tồn tại nhiều năm, khiến trẻ tổn thương, cha mẹ bức xúc. Thông tin phản ánh trên mạng xã hội được đưa ra vào thời điểm các trường THCS đang tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp trước kỳ thi vào lớp 10.

Sáng 20/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra Công văn số 1024/SGDĐT-GDPT, chỉ đạo các phòng GD&ĐT kiểm tra, xác minh việc vận động học sinh yếu kém ký cam kết không thi vào lớp 10, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có).

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các Trưởng phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm nếu xảy ra trường hợp trên.

Về thông tin trên mạng xã hội phản ánh Trường THCS Dịch Vọng và THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có hiện tượng giáo viên yêu cầu học sinh lớp 9 học lực không tốt chuyển trường và không dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa ký văn bản gửi Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo về thông tin phản ánh trên mạng xã hội cho rằng Trường THCS Dịch Vọng, Trường THCS Nghĩa Tân có tình trạng nhà trường yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường và không dự thi vào lớp 10 THPT.

Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã làm việc với Trường THCS Dịch Vọng và Trường THCS Nghĩa Tân để xác minh thông tin. Qua báo cáo của các nhà trường và kiểm tra hồ sơ tại trường, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy báo cáo kết quả xác minh là: “Các trường không có chủ trương yêu cầu các học sinh học không tốt phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 THPT”.

Theo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, nhằm giúp đỡ những học sinh có học lực trung bình và yếu trong năm học các nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp cần có sự trao đổi với phụ huynh học sinh thường xuyên để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Trong năm học, số phụ huynh được các trường trao đổi như sau: THCS Dịch Vọng 44 phụ huynh/12 lớp, THCS Nghĩa Tân 21 phụ huynh/16 lớp. Nội dung các buổi trao đổi về tình hình học tập của học sinh và đề nghị các biện pháp phối hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, không có việc bắt học sinh phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 THPT.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cũng cho biết đã gọi điện để xác minh một số phụ huynh, kết quả các phụ huynh đều khẳng định không có trường hợp nhà trường “ép” buộc chuyển trường.

Câu chuyện “bệnh thành tích”

Thực tế, thi vào lớp 10 hàng năm ở Hà Nội luôn là kỳ thi khốc liệt, áp lực không chỉ với phụ huynh học sinh và thầy cô lớp 9 khi chỉ có gần 70% học sinh có thể đủ điểm vào các trường THPT công lập. Đơn cử, năm nay, TP Hà Nội khoảng 129.000 học sinh được xét tốt nghiệp THCS. Trong đó có hơn 104.000 học sinh đăng ký xét tuyển vào THPT (với 77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 chỉ tiêu tư thục). 25.000 học sinh còn lại sẽ học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, phần đa phụ huynh lên tiếng, không chỉ đến khi con học lớp 9, mà với những bạn “đội sổ” cô thường “tỉ tê” với phụ huynh cho con học dân lập từ lớp… 6 (thông thường, giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận lớp và theo học sinh của mình từ lớp 6 đến lớp 9).

Chị Hà Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, bạn nhà chị học chậm, nên ngay từ cấp 1, ở một số lớp chị đã xin cho con được ở lại lớp, nhưng con vẫn đủ điểm lên lớp nên muốn “đúp” cũng không được! Khi con vào lớp 6, ngay kì 1, cô đã gợi ý một số trường dân lập để con học cho đỡ căng thẳng, áp lực. Tuy nhiên, chị Hà Anh chỉ có nhu cầu cho con được đến trường, được học trong môi trường như các bạn, đợi con hết cấp THCS để con đủ tuổi vào Trung tâm giáo dục thường xuyên mà thôi. Năm nay, con học lớp 7, trong buổi họp phụ huynh vừa qua cô lại tư vấn lớp có khoảng 10 bạn nên học dân lập, hoặc đi học nghề… Năm học này, chị Hà Anh đã tìm được Trung tâm giáo dục thường xuyên nhận con từ độ tuổi lớp 8, nên chị khá thoải mái để chuyển trường cho con. Theo chị Hà Anh, hầu hết các phụ huynh đều vẫn muốn con được học, được thi bình thường, dù học lực không tốt, bởi đó là quyền học tập của các con.

Chị Mai Trang, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, không chỉ với học sinh học lực không tốt, mà ngay cả với những bạn học lực khá giỏi, giáo viên chủ nhiệm cũng theo sát sao khi định hướng cho học sinh đăng ký nguyện vọng để an toàn đỗ vào trường công. Do đó, rất nhiều học sinh khi thi xong thừa điểm vào trường THPT tốp đầu, nhưng giáo viên chủ nhiệm thường tư vấn để phụ huynh học sinh đăng ký vào các trường có điểm đầu vào thấp hơn sức học của học sinh mình. Chị Mai Trang cho biết, năm đó, do biết được học lực của con nên gia đình xem như con đã “liều” không nghe theo giáo viên chủ nhiệm, đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường mà con yêu thích. Kết quả con đã thừa 5 điểm trúng tuyển nguyện vọng vào trường tốp đầu của thành phố…

Theo thầy cô “trong cuộc”, hiện tượng giáo viên “tư vấn”, “ép” học sinh sớm đăng ký vào trường tư thục hoặc không thi lớp 10 là có thật diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội. Đó là “biểu hiện” của “bệnh thành tích”, nhất là các trường công lập. Bởi lẽ, hàng năm số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá thành tích của trường. Đã đến lúc, câu chuyện tư vấn hướng nghiệp cần được đặt ra sao cho hiệu quả. Để mọi học sinh đều có những lựa chọn phù hợp với năng lực của mình, hoặc được thử sức mình trong kỳ thi vào 10, dù học lực không thật tốt. Và thầy cô, nhà trường không phải chịu áp lực số học sinh đỗ THPT, để rồi tất cả quay vòng lại gây áp lực không nhỏ cho học sinh và phụ huynh!

Bộ GD&ĐT mở đường dây nóng đề nghị phụ huynh cung cấp thông tin (nếu có)

Nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Nếu có thông tin và minh chứng về nội dung này, đề nghị các vị phụ huynh và quý vị gửi về cơ quan Bộ GD&ĐT theo địa chỉ email: trungtamtruyenthonggiaoduc@moet.edu.vn, hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0985.111179 và 0943.316147. Sau khi Bộ GD&ÐT mở đường dây nóng đề nghị phụ huynh cung cấp thông tin sự việc (nếu có), một số phụ huynh tại Hà Nội gọi điện phản ánh chuyện nhà trường “ép” học sinh không thi vào lớp 10. Ðược biết, Bộ GD&ÐT sẽ tập hợp và yêu cầu địa phương xác minh, xử lý.

Đọc thêm