Bệnh viện Bạch Mai - Dấu ấn khó quên của Bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất miền Bắc

(PLVN) -  Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai luôn là ngọn hải đăng tỏa sáng tình yêu, khát vọng của những thế hệ thầy thuốc dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, để làm nên một Bạch Mai Anh hùng.
Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế công nhận “Bệnh viện đặc biệt”, là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được nhận danh hiệu cao quý

Từ Nhà thương Cống Vọng đến bệnh viện lớn nhất miền Bắc

Tiền thân của Bệnh viện Bạch Mai là Nhà thương Cống Vọng được thành lập năm 1911, với nhiệm vụ thu nhận và điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

Từ cái nôi Nhà thương Cống Vọng đã hình thành một thế hệ những người thầy thuốc Việt Nam yêu nước. Họ là những người nhanh chóng nắm bắt, làm chủ kiến thức tây y mới mẻ nhưng luôn hun đúc trong lòng một tình yêu quê hương, khát vọng độc lập tự do để sau này trở thành những hạt giống đỏ của nền y tế cách mạng Việt Nam.

Đến năm 1935, Bệnh viện mang tên René Robin, được mở rộng và trở thành cơ sở thực hành chính của Trường Đại học Y khoa Đông Dương. Năm 1945, Bệnh viện được mang tên Bệnh viện Bạch Mai.

Tiền thân của Bệnh viện Bạch Mai là Nhà thương Cống Vọng

Một vinh dự rất lớn đối với Bệnh viện Bạch Mai là ngày 15/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Bệnh viện. Bác khen ngợi và cảm ơn anh, chị, em cán bộ nhân viên đã tích cực và bền bỉ đấu tranh với địch, bảo vệ và giữ gìn tài sản Bệnh viện được tương đối nguyên vẹn.

Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai thấu hiểu trọng trách là ngọn cờ đầu của ngành Y tế trước Đảng, trước nhân dân trong khi đất nước còn chia cắt. Bệnh viện Bạch Mai đã làm hết sức mình góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân dân, đồng thời chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trong khi đó, chính bệnh viện lại cũng là một trong những mục tiêu đánh bom hủy diệt của không quân Mỹ. Chỉ riêng trận bom B52 ngày 22/12/1972, có tới 28 thành viên ưu tú của Bệnh viện đã hy sinh. Có bác sĩ đã tắt hơi thở cuối cùng, trên tay vẫn cầm chắc con dao mổ…

Sau ngày nước nhà thống nhất, đáp ứng nhiệm vụ của ngành Y tế, căn cứ quy hoạch và nhiệm vụ nhà nước giao, Bệnh viện đã thành lập thêm nhiều khoa mới. Sau này một số chuyên khoa đã được nâng cấp, một số viện được thành lập như Viện Da liễu, Viện Huyết học truyền máu, Viện Lão khoa, Viện Tim mạch, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Viện Sức khỏe tâm thần.

Nhờ có chiến lược phát triển bền vững, hiện Bệnh viện có 56 đơn vị, bao gồm: 4 viện, 14 trung tâm, 27 khoa, 9 phòng chức năng, 1 trường cao đẳng y tế và tạp chí y học lâm sàng. Bệnh viện có quy mô 3.200 giường bệnh với số lượng 4.223 cán bộ, viên chức và người lao động... Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị gần 2 triệu bệnh nhân ngoại trú và 165.000 bệnh nhân nội trú.

Bệnh viện Bạch Mai đã phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho

Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được một nguồn nhân lực hùng hậu với hơn 4.300 người và hơn 1.000 bác sĩ, chuyên gia. Đội ngũ thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, kĩ sư luôn được cập nhật kiến thức mới nhất thông qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước. Đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Hàng năm, trung bình có trên 100 sáng kiến cải tiến trong công tác khám chữa bệnh điều trị chăm sóc bệnh nhân được áp dụng. Nhiều chuyên khoa đầu ngành bệnh viện đã tham gia đào tạo hàng nghìn sinh viên, hàng nghìn cán bộ từ các tỉnh về học với nhiều lớp bổ túc chuyên môn ngắn hạn cho hàng nghìn học viên các tỉnh. Trường Trung học y tế Bạch Mai đã đào tạo nhiều y tá cung cấp cho các bệnh viện.

Với chiều dày lịch sử hơn một thế kỷ, phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết phấn đấu vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Bệnh viện Bạch Mai đã phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai trở thành Bệnh viện Đa khoa đầu ngành của cả nước, đảm nhiệm trọng trách khám chữa bệnh tuyến cuối của ngành y tế. Năm 2006, Bệnh viện được Bộ Y tế công nhận “Bệnh viện đặc biệt”, là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được nhận danh hiệu cao quý.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới. Nhiều tập thể và cá nhân đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Công tác xã hội - Cánh tay nối dài hỗ trợ người bệnh và cộng đồng

Một sự kiện không thể nào quên đối với Bệnh viện, vào những năm COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai luôn là đơn vị đi đầu trong công tác phòng chống dịch, vừa hoạt động điều trị cho bệnh nhân, vừa hỗ trợ các tỉnh có dịch.

Cụ thể, tháng 3/2020, Bệnh viện Bạch Mai xuất hiện ca nhiễm COVID-19, bệnh viện đã thực hiện chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trong hoàn cảnh bị phong tỏa, bệnh viện duy trì điều trị cho 800 bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao, tiếp nhận 500 bệnh nhân lọc máu, chạy thận tạo chu kỳ, tiếp nhận nhiều ca cấp cứu…

Bệnh viện Bạch Mai còn hỗ trợ các địa phương khoanh vùng dập dịch, thiết lập các bệnh viện dã chiến trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, trong làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19, bệnh viện đã quản lý, vận hành Trung tâm ICU quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến 16 (Quận 7, TP HCM).

Bệnh viện đã huy động 800 nhân viên và gần 1.000 sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai cùng nhiều trang thiết bị máy móc, vật tư y tế chi viện cho TP HCM.

Bệnh viện Bạch Mai luôn là ngọn hải đăng tỏa sáng tình yêu, khát vọng của những thế hệ thầy thuốc dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Song song với khám chữa bệnh, công tác xã hội cũng được bệnh viện chú trọng và nâng cao chất lượng. Trải qua 8 năm hình thành và phát triển, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai với những bước đi chập chững từ vạch xuất phát dưới sự định hướng, chỉ đạo, đồng hành sát sao của Đảng ủy, Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc bệnh viện, Phòng đã có những bước tiến đáng kể, trở thành điểm sáng cho nhiều đơn vị trong ngành y tế đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Trong 8 năm, Phòng Công tác xã hội Bạch Mai đã kêu gọi được trên 60 tỷ đồng để hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo không may mắc bệnh nặng. Hoạt động thiết thực đó đã lan tỏa cảm xúc yêu thương, tạo thế kiềng 3 chân: Nhân viên y tế - Bệnh nhân - Nhà hảo tâm đồng lòng cùng giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi với những số phận, cảnh đời khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Phòng luôn hỗ trợ các đoàn phóng viên đến tìm hiểu, lấy thông tin, viết bài tuyên truyền về bệnh viện; tổ chức hàng loạt các sự kiện truyền thông nhằm truyền tải những kiến thức về y học, thông tin y tế hữu ích đến cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và phòng ngừa bệnh tật.

Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai còn là một trong đơn vị đi đầu của ngành y tế về việc xây dựng hình ảnh người hướng dẫn viên tận tình, thân thiện trong tà áo dài xanh truyền thống tiếp đón, hỗ trợ người bệnh ngay từ khi đến cổng bệnh viện: chỉ dẫn, hỗ trợ những bệnh nhân có khó khăn trong di chuyển, cung cấp ô khi trời nắng cũng như khi trời mưa...

Hơn 1 thế kỷ đã qua, Bệnh viện Bạch Mai luôn là ngọn hải đăng tỏa sáng thể hiện tình yêu, khát vọng của những thế hệ thầy thuốc dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân để làm nên một Bạch Mai Anh hùng. Thế hệ y - bác sĩ, cán bộ, viên chức Bệnh viện Bạch Mai hôm nay ý thức sâu sắc trọng trách tiếp tục xây dựng Bệnh viện phát triển, viết tiếp những trang sử vàng của Bệnh viện, xây dựng Bệnh viện Bạch Mai trở thành trung tâm y học hàng đầu của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Đọc thêm