15/19 bị cáo tham gia vụ “hỗn chiến” ngày 7/7/2013 tại bãi ngao trên Sông Yên, ranh giữa 2 xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) và Hải Châu (huyện Tĩnh Gia) là người xã Quảng Nham. Trong đó có 2 bị cáo là Nguyễn Văn Tuyển, Phạm Văn Thành bị truy tố về 2 tội danh “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Số bị cáo còn lại đều bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Phía bên xã Hải Châu, tuy bị thiệt 3 mạng người nhưng cũng có 4 bị cáo bị truy tố về tội gây rối, trong đó có cả con trai của bị hại xấu số Tô Quốc Dũng.
Đổ máu vì “lộc trời”
Việc khai thác ngao tự nhiên của người dân ven dòng sông Yên có từ lâu đời và là thu nhập chính của hàng trăm hộ dân hai xã Quảng Nham và Hải Châu. Tuy nhiên, việc khai thác này vẫn chỉ mang tính tự phát, tự quản mà không có sự quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước.
Mâu thuẫn phát sinh từ cuối năm 2012 khi một số hộ dân xã Hải Châu tự ý mang cọc tre, luồng ra khu vực khai thác ngao tự nhiên cắm mốc, khoanh vùng “xác định chủ quyền” riêng, làm thu hẹp diện tích khai thác ngao tự nhiên.
Bị ảnh hưởng đến nguồn sống, hàng chục hộ dân xã Quảng Nham đã có đơn tố cáo việc làm này nhưng rất tiếc, những đơn thư trên đã không được chính quyền giải quyết, xử lý. Thậm chí, giữa hai bên đã xảy ra xô xát nhưng vẫn không được cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.
Sáng 07/7/2013, thấy nhiều người dân xã Quảng Nham ra sông Yên cào ngao, ông Tô Quốc Dũng và ông Lê Văn Hiệu (là hai người đã tự ý cắm cọc, quây vùng) ra xua đuổi. Sau đó,
hai ông này còn huy động hơn 10 người đi trên hai bè và một thuyền, mang đá, gậy, dao và những đoạn sắt được mài nhọn hai đầu... để làm hung khí, kéo ra sông. Phía người dân xã Quảng Nham (đi trên khoảng 25- 30 bè) cũng chuẩn bị gạch, đá, dao, gậy... chống trả lại người dân xã Hải Châu.
Hậu quả vụ “hỗn chiến” trên sông làm 3 người chết (gồm các ông Tô Quốc Dũng, Lê Văn Hiệu và Lữ Kiên Cường) và 11 người bị thương.
Vì sao hàng loạt nông dân thành bị cáo?
Tại tòa, nhiều bị cáo là người xã Quảng Nham đều cho rằng, việc tham gia vụ hỗn chiến như trên là do họ phải “tự vệ” trước sự tấn côngcủa người dân xã Hải Châu. Tuy bị đe dọa, không cho ra cào ngao nhưng do đây là nguồn sống duy nhất của họ nên họ vẫn phải đóng bè, ra sông và chuẩn bị gạch, đá để chống trả khi bị tấn công.
Có mặt để theo dõi phiên tòa, hàng chục người dân xã Quảng Nham đều rất bức xúc và cho rằng nguyên nhân khiến con cháu họ phải ra tòa chính là việc một số người dân xã Hải Châu đã “triệt” đường kiếm sống của họ, khiến họ bị dồn vào “bước đường cùng”.
Chị Ngô Thị Huệ (người xã Quảng Nham) cho hay, bản thân ông Tô Quốc Dũng từng tuyên bố người dân nào muốn vào khai thác ngao ở khu vực mà gia đình họ đã quây thì phải ăn chia 50%. Họ còn thuê “đầu gấu” để ngăn chặn, đánh đuổi mỗi khi thấy người dân xã Quảng Nham ra khai thác ngao.
Nhìn nhận về nguyên nhân sự việc này, cả Luật sư Nguyễn Văn Thiệu (bào chữa cho bị cáo) và Luật sư Lê Văn Kiên (bảo vệ quyền lợi bị hại) đều cho rằng, nếu chính quyền của hai xã, hai huyện phối hợp để kịp thời giải quyết mâu thuẫn, giải quyết tranh chấp trong việc khai thác ngao tự nhiên thì có lẽ đã không xảy ra vụ án đau lòng này. Sau vụ án này, mâu thuẫn giữa các hộ dân bên hai bờ sông Yên vẫn chưa được giải tỏa.
Hai bị cáo kêu oan tội “Giết người”
Tại tòa, bị cáo Phạm Văn Thành kêu oan: “Sau khi đánh nhau xong, tôi ở nhà đến tận ngày 12/7 thì được mời ra xã, sau đó bắt tạm giam chứ tôi không ra đầu thú như trong lời khai. Tôi không giết người, tôi bị ép cung và bắt khai nhận những gì mà cán bộ điều tra hướng dẫn.
Lúc gọi lên tôi bị ép ký vào bản lời khai, tôi không ký thì bị đánh đau quá nên tôi phải ký, chứ tôi không chém chết ông Tô Quốc Dũng”.
Còn bị cáo Nguyễn Văn Tuyển có thừa nhận chém người, nhưng không cầm sẵn hung khí. Tuyển cho rằng mình không có ý định tước đoạt tính mạng của Quân. Khi Quân van xin thì Tuyển dừng tay, không chém nữa…
Trong phần tranh luận, Luật sư Nguyễn Văn Thiệu cho rằng hai bị cáo kêu oan là có cơ sở. Đặc biệt, phiên tòa còn hé lộ tình tiết: chỉ khi được gia đình mời luật sư thì mới có luật sư xuất hiện trong các buổi hỏi cung.
Còn trước đó, luật sư không hề có mặt nhưng trong hồ sơ vụ án đã có nhiều bản cung của bị cáo Thành có chữ ký của Luật sư Trịnh Ngọc Ninh - người được CQĐT chỉ định làm luật sư cho bị cáo. Theo Luật sư Thiệu, cần phải làm rõ lời khai này của bị cáo Thành xem có việc luật sư không tham gia hỏi cung nhưng vẫn ký “khống” vào bản cung hay không? Nếu có thì đây là một vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Sau phần tranh luận “nảy lửa”, mặc dù còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ nhưng đại diện VKS vẫn đề nghị mức án cho các bị cáo. Tuy nhiên, sau khi quay trở lại phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung./.