Bị cắt hợp đồng, có được hưởng chế độ khi ốm?

(PLO) - Anh trai tôi làm việc tại Công ty Mersk Sài Gòn, có hợp đồng không xác định thời  hạn, đã đóng BHXH được 12 năm. Tháng 11/2015, anh tôi bị tai biến liệt 1/2 người đang tiếp tục điều trị, bệnh thuộc danh mục bệnh dài ngày, hiện đang hưởng lương ốm của BHXH. Tháng 11/2016 anh tôi bị Công ty cắt Hợp đồng lao động. Xin hỏi, anh tôi có được hưởng chế độ ốm nữa không? (Ông Hồ Văn Thùy - tỉnh Bình Định)
Hình chỉ có tính minh họa

BHXH Việt Nam trả lời: Điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là bị ốm đau, tai nạn không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, người lao động chỉ được hưởng chế độ ốm đau khi đang làm việc và tham gia đóng BHXH bắt buộc. Căn cứ các quy định nêu trên, nếu đến tháng 11/2016 anh trai ông chấm dứt hợp đồng lao động thì kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, anh trai ông không được tiếp tục hưởng chế độ ốm đau.

lHỏi: Tôi có 12 năm công tác trong quân đội, được tặng Huy chương kháng chiến. Năm 1982, tôi chuyển ngành, đến năm 2010, nghỉ chế độ hưu. Tôi xin hỏi, tôi có được đổi mã thẻ BHYT từ HT3 sang mã HT2 không? (Ông Mai Đình Tịnh - Tỉnh Bắc Kạn)

- BHXH Việt Nam trả lời: Theo Điểm 2, khoản 15, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”. Trường hợp của ông Tịnh, theo nội dung hỏi thì ông thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng người hưởng lương hưu, đồng thời cũng thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

Vì vậy, ông được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng người có công với cách mạng, có mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT là HT2 (được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT). Đề nghị ông Tịnh liên hệ với cơ quan BHXH quận (huyện) nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và đổi thẻ theo quy định.

lHỏi: Tôi muốn hỏi về chính sách BHYT đối với cựu chiến binh, để được chuyển đổi thẻ BHYT từ nguồn mã số 3 hoặc số 4 lên mã số 2 thì hồ sơ cần phải có những giấy tờ gì? Đối với cựu chiến binh thì cần có thêm giấy tờ nào khác? (Bà Vũ Thị Ngọc Hà - Quảng Ninh)

BHXH tỉnh Quảng Ninh trả lời: Chính sách BHYT đối với cựu chiến binh được quy định như sau: Căn cứ Điều 4 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì: Đối tượng cựu chiến binh khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 28, 28 của Luật BHYT và khoản 4, khoản 5 Điều 22 của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng.

Căn cứ Điều 29, Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, thành phần hồ sơ đổi mã hưởng thẻ BHYT gồm: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS), thẻ BHYT, bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ đổi mã hưởng thẻ BHYT (theo quy định tại mục II, phụ lục 2 của Quyết định 959/QĐ-BHXH). Đối tượng cựu chiến binh muốn đổi mã hưởng thẻ BHYT thì hồ sơ gồm các giấy tờ như trên.

Đọc thêm