Chị Thị Hạnh (huyện Kiên Lương – Kiên Giang) hỏi: Con tôi (15 tuổi) bị đối tượng tên K (21 tuổi) gây thương tích 52%, K đã bị bắt tạm giam để điều tra. Do gia đình K cũng còn khó khăn nên mới bồi thường cho con tôi được 10 triệu đồng, nay họ mới hốt hụi nên đề nghị bồi thường thêm 10 triệu đồng nữa nhưng với điều kiện là phải ký vào đơn bãi nại cho K. Hiện gia đình tôi cũng rất khó khăn, nợ nần nhiều do phải điều trị, phục hồi sức khỏe cho cháu nhưng không biết có nên nhận số tiền bồi thường của gia đình K hay không? Nếu nhận tiền, ký đơn bãi nại thì K sẽ bị xử lý như thế nào và số tiền tổn thất gần 100 triệu đồng của gia đình tôi sẽ giải quyết ra sao?
- Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Chỉ được khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 2, 3, 4, 5, 6,7 Điều 134 BLHS không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.
Trường hợp chị nêu trên đối tượng K có thể bị khởi tố và truy tố theo khoản 3 Điều 134 BLHS có mức hình phạt từ 05 đến 10 năm nên không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại, có nghĩa là cho dù chị có làm đơn bãi nại hay không làm đơn bãi nại thì K vẫn bị truy tố và xét xử về tội này. Đơn bãi nại chỉ là một tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
K phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho con của chị, gia đình K không có trách nhiệm phải bồi thường, trừ trường hợp họ tự nguyện. Do vậy, chị nên nhận tiền và ký đơn bãi nại, số tiền chị đã nhận sẽ được khấu trừ trong tổng số tiền K phải bồi thường theo bản án. Nếu chị không nhận số tiền, rất có thể sau này gia đình K không tự nguyện bồi thường thay cho K và quá trình thi hành án phần trách nhiệm bồi thường của K sẽ gặp khó khăn do K đang ở trong tù, khi ra tù nếu K không có tài sản thì việc bồi thường sẽ trở nên khó khăn, kéo dài.