Buổi sáng hôm ấy tiết trời lạnh buốt đến tê tái nhưng đông đảo bà con thôn Khuẩy Lào (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) vẫn vượt một chặng đường dài để đến động viên… thủ phạm của vụ án. Suy cho cùng, người mẹ hại con trong vụ án này rất mực thương con nhưng tình thương đó đã đặt nhầm chỗ, dẫn đến một kết cục đau lòng ngoài ý muốn.
Vụ án đau lòng
Cho đến nay, đã gần nửa năm sau khi xảy ra vụ án “mẹ giết con” tại thôn Khuẩy Lào, xã Hội Hoan nhưng dư luận Lạng Sơn vẫn chưa thể nào quên vụ án đau lòng và chấn động dư luận này.
Bị cáo Nông Thị Mét khi còn được tại ngoại. |
Theo cáo trạng, vào hồi 6 giờ 30 phút ngày 17/7/2011, người dân Khuẩy Lào vô cùng hốt hoảng khi biết tin anh Hoàng Văn Đức (SN 1985, trú tại địa chỉ trên) đã tắt thở. Người khiến anh này tử vong chính là bà Mét - mẹ đẻ của nạn nhân.
Trước ngày xảy ra vụ án (16/7), Đức lên cơn động kinh và xách dao chạy ra ngoài đồng tìm mẹ và bảo với bà Mét rằng: “Con sẽ đi giết một thằng, không tin mẹ cứ đi theo con mà xem”. Hoảng sợ, bà Mét vội chạy theo Đức ngăn cản con mình đang đi thẳng đến nhà anh Thường (một người cùng làng) với ý định trả thù vì anh Thường có lần vô ý làm phật ý Đức. Sau một hồi thuyết phục, Đức cũng nguôi ngoai nhưng vẫn chưa từ bỏ ý định ban đầu. Đợi sau khi mẹ ra về, Đức vẫn còn nán lại nhà anh Thường tìm cách hãm hại gia đình anh này, nhưng anh Thường đã chủ động tránh mặt.
Đến tối, Đức không về nhà mà chạy thẳng lên rừng, cứ một lúc lại cầm gạch đá ném vào nhà Thường khiến gia đình này hoảng sợ phải cầu cứu lực lượng Công an xã. Thấy con làm kinh động làng xóm, bà Mét cùng người thân vội vã chạy đi tìm Đức nhưng không thấy.
Gần sáng thì Đức cầm dao đứng trên đỉnh đồi không cho ai lại gần và liên tục chửi mọi người. Khuyên bảo con thế nào cũng không được, bà Mét tìm cách tiếp cận con và có ý định đưa con về nhà.
Tuy nhiên, khi tước được con dao từ tay con, bà mẹ này lại không giữ được bình tĩnh mà tức giận vớ một đoạn gỗ gần đó đánh con tới tấp. Chưa hả giận, bà Mét còn dùng con dao của Đức chém thanh niên này một vài nhát nữa khiến nạn nhân bị thương nặng rồi tử vong.
Cuộc đời bất hạnh
Ngay sau khi xảy ra vụ án, bà Mét đã đến cơ quan công an đầu thú với con dao gây án và tường thuật lại toàn bộ câu chuyện mà bà chất chứa suốt hơn mười năm qua.
Lấy chồng và có hai con từ sớm nhưng bi kịch cuộc đời người phụ nữ bất hạnh này bắt đầu khi bất ngờ chồng chị qua đời đột ngột năm 1989. Hai vợ chồng chị có hai người con trai nhưng khi chị vừa sinh đứa thứ hai thì có một người bạn của chồng ngỏ ý muốn giúp đỡ gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Phú Yên.
Bàn bạc với vợ một hồi, anh Hoàng Văn Khôi (chồng chị Mét) quyết định sẽ đi Phú Yên. Do điều kiện đi lại khó khăn, anh quyết định gửi người con trai đầu (chính là Hoàng Văn Đức) cho ông bà nội chăm sóc, còn hai vợ chồng và đứa con thứ hai sẽ đi. Trong quá trình xây dựng kinh tế mới tại Phú Yên, do mắc phải căn bệnh sốt ác tính nên anh Khôi đột ngột qua đời.
Trở về quê nhà nuôi hai con trai, bố mẹ chồng đều tỏ ý muốn chị Mét đi thêm bước nữa vì có rất nhiều người đến ngỏ lời muốn cưới chị làm vợ. Thấy hai con còn nhỏ, nhớ lời hứa năm xưa với chồng sẽ nuôi hai con trưởng thành, chị Mét quyết ở vậy nuôi hai con. Chị Mét dành nhiều thời gian chăm sóc cho người con trai cả vì nghĩ Đức thiếu thốn tình cảm cũng như sự quan tâm của mình. Ở nhà, Đức là người được chị Mét yêu thương, chăm sóc hơn cả, nhất là khi Đức bắt đầu có biểu hiện bệnh động kinh.
Biết con gặp điều chẳng lành, người mẹ này vội đi báo cho mọi người trong làng đến giúp đỡ. Chạy ngược chạy xuôi nhờ vả khắp nơi nhưng bệnh của Đức không khỏi. Các bác sĩ tại bệnh viện chữa trị cho Đức cho biết, Đức bị bệnh động kinh và phải dành nhiều thời gian theo dõi thêm. Lúc đó, chị Mét là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, rất có uy tín và đang nhận được sự tín nhiệm cao của bà con nhân dân. Tuy nhiên, chị đã nhất định xin về bằng được để chăm sóc hai con.
Khoảng năm 2004 thì Đức phát bệnh thường xuyên hơn và hễ phát bệnh là cậu lại sẵn sàng đi “trả thù” những người mình ghét. Một người hàng xóm cho hay: “Thằng Đức nó có tính thù dai, ai mà trêu chọc nó hoặc làm nó ghét việc gì là y như rằng mỗi khi nó bất thường, nó thường tìm những người này để trả thù, không chỉ người trong thôn mà cả người ngoài thôn nữa, nên mọi người trong thôn xóm không ai dám lại gần thằng Đức cả”.
Có lần, chính quyền thôn đã đến tận nhà vận động bà Mét đưa Đức vào trại tâm thần hay Trung tâm chuyên chữa trị bệnh động kinh tại khu Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn. Tuy nhiên, vì thương con và lấy lý do gia đình có một vài người đã mất ở xa nên bà Mét đã xin được điều trị cho con ở nhà. Tuy nhiên, việc Đức ở nhà ngày càng bệnh nặng hơn, lại thường xuyên làm kinh động mọi người bằng cách dọa giết những người mà mình ghét nên ai cũng phải tránh mặt.
Sau khi biết con mình chết, người phụ nữ gần như suy sụp hẳn, không ăn uống được gì. Do sức khỏe yếu nên cơ quan điều tra đã cho phép được tại ngoại.
Bản án lương tâm
Tại phiên tòa diễn ra cách đây không lâu tại TAND tỉnh Lạng Sơn, bị cáo Nông Thị Mét đã phải nhận mức án 4 năm tù giam về hành vi “Giết người” căn cứ theo cáo trạng truy tố tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Rất đông bà con làng xóm và thôn Khuẩy Lào tha thiết xin được giảm án hoặc cho người phụ nữ tội nghiệp được hưởng án treo nhưng quyết định cuối cùng vẫn được giữ nguyên. Thẩm phán Lương Thị Hồng chia sẻ: “Đây là một vụ án thương tâm và đau lòng. Mặc dù rất hiểu hoàn cảnh của bị cáo và nguyên nhân sâu xa của vụ việc là do những chất chứa buồn tủi suốt bao nhiêu năm của người mẹ, nhưng pháp luật vốn nghiêm minh, hành động vi phạm pháp luật của bị cáo Mét cần phải được xử phạt.
Ở góc độ khác, Đức là thanh niên tuy mắc bệnh thần kinh, đáng lẽ gia đình phải chọn giải pháp đưa đến trung tâm điều trị nhưng người mẹ đã không đồng ý. Chính điều này đã dẫn tới hậu quả đau lòng và nỗi đau mà bị cáo phải chịu đựng. Giá như tình thương ấy được đặt đúng chỗ và tỉnh táo thì hôm nay chúng ta không phải chứng kiến cảnh tượng bi thương thế này”.
Trước cảnh dân làng dìu bà Mét ra về chờ ngày chuẩn bị thi hành án mà ai cũng xót thương. Suốt bao nhiêu năm nuôi nấng con trưởng thành, người mẹ này cũng hy sinh bản thân mình rất nhiều để hoàn thành ước nguyện của người chồng trước khi mất. Thế nhưng, phút giây nóng giận và nỗi uất ức chất chứa bấy lâu đã cướp đi tất cả.
Để giờ đây, khi đối diện với bản án của lương tâm và của pháp luật, người mẹ này gần như suy sụp hẳn. Ngẫm cho cùng, đây là câu chuyện bi thương nhưng là một bài học đắt giá trong cách quản lý và chăm sóc người tâm thần hiện nay ở nước ta.
Đức Minh