Bị cáo trong vụ án là một bé gái còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy động cơ, hoàn cảnh nào đã khiến thiên thần nhỏ này phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng? Nghĩ rằng phải trả lời được câu hỏi đó thì mới có thể đưa ra một phán quyết hợp tình, hợp lý, chị Lê Thị Hoàng Hải (Thẩm phán TAND TP.Yên Bái) đã cẩn trọng lật giở từng góc khuất trong cuộc sống của bị cáo mà mình sắp xét xử.
Sau đó, phán quyết cuối cùng của chị Hải đã nhận được sự đồng tình của đồng nghiệp và dư luận. Để rồi, tương lai của cháu bé đã lại được mở ra và vụ án này trở thành một kỉ niệm khó quên trong cuộc đời người nữ thẩm phán...
Người mẹ nhẫn tâm biến con thành kẻ vận chuyển ma túy
Một ngày đầu đông năm 2009, chị Hải vừa chuyển về công tác tại TAND TP.Yên Bái được 3 tháng (trước đó, chị có hơn 10 năm công tác tại TAND huyện Văn Chấn) thì nhận hồ sơ một vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy.
Mở tập hồ sơ, chị ngỡ ngàng khi biết bị can là một nữ sinh lớp 9. Cô bé tên Hoàng Thị Ngọc M. (15 tuổi, ở TP.Yên Bái). Liên quan đến vụ án, mẹ của M. là Trần Thị Yên (38 tuổi) cũng bị bắt vì hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Đau lòng hơn, ngày hai mẹ con bị bắt cũng là ngày M. chuẩn bị đến trường để dự kì thi cuối học kỳ I. Khi đó, chị Hải đã rất băn khoăn, không hiểu con đường nào đã dẫn dắt M. - một cô bé ngây thơ - vào vòng lao lý.
Ngày phiên tòa chuẩn bị diễn ra, cô giáo chủ nhiệm lớp M. cùng rất đông bạn học của cô bé đã kéo đến trụ sở TAND TP.Yên Bái. Điều khiến nữ thẩm phán khá bất ngờ là chính con gái chị cũng học cùng lớp với M. Qua đó, chị Hải mới biết rằng trên lớp, M. vốn là một học trò ngoan, hiền, chịu khó vươn lên trong học tập dù gia cảnh rất khó khăn.
|
Thẩm phán Lê Thị Hoàng Hải. |
Để nắm rõ hơn về gia cảnh của bị cáo nhí, chị Hải đã cất công xuống tận nhà cô bé để tìm hiểu. Thì ra, bố M. vì buôn bán ma túy trái phép đã phải lãnh một mức án khá nặng. Còn bà Yên (mẹ N.) thay vì chịu khó làm ăn để nuôi hai anh em M. ăn học lại đi vào vết xe đổ của chồng. Sẵn có mối từ trước, Yên đã nhập “hàng trắng” về, chia nhỏ bán lại cho các con nghiện. Ban đầu, Yên không để lộ việc mình bán ma túy cho các con biết, nhưng khi bị cơ quan công an theo dõi, Yên đánh liều sai M. đi đưa “hàng”.
Sáng hôm đó, M. đang chuẩn bị đi học như bình thường thì được mẹ đưa cho một gói hàng nhỏ, bảo chuyển cho một người đứng ở đầu đường Nguyễn Thái Học (TP.Yên Bái). Không biết đó là ma túy, cô bé ngoan ngoãn vâng lời mẹ và khi M. vừa đưa gói “hàng” cho một thanh niên thì bị cơ quan công an bắt quả tang.
Phiên tòa thấu lý, đạt tình
Phiên tòa cuối năm 2009 ấy được mở ra để xét xử cùng một lúc hai mẹ con M. đã thu hút rất đông người dân tới tham dự. Ngoài bạn bè của M., đông đảo bà con lối xóm cũng tới phiên tòa với chung một nguyện vọng: Mong Hội đồng xét xử sẽ xem xét “giơ cao đánh khẽ” khi lượng hình với cô bé M. vì M. đi vào con đường tối hoàn toàn do lỗi của người mẹ.
Chị Hải hồi tưởng: “Hôm đó, bị cáo Yên và cháu M. khóc rất nhiều. Yên khai rằng, toàn bộ hành vi phạm pháp là do mình chứ cháu M. hoàn toàn không biết gì cả. Bị cáo Yên nhận lỗi về mình và tha thiết mong Hội đồng xét xử khoan hồng cho con gái. Chúng tôi đã giải thích cho cả hai mẹ con hiểu hành vi trái pháp luật. Dù hành vi của M là vô tình nhưng đó cũng đã là phạm pháp. So với ngày mới bị bắt, M. gầy sọp hẳn đi, đôi mắt cô bé hốc hác, thể trạng rất yếu vì cháu suy nghĩ nhiều khiến nhiều người có mặt đều thấy rất thương tâm”.
Tính đến ngày ra tòa, M. đã phải chịu tạm giam 8 tháng, cô bé đã không được đến trường như các bạn cùng trang lứa nên khi được nói lời sau cùng, M. thưa với Hội đồng xét xử rằng: “Cháu chỉ mong Tòa có thể giảm án cho cháu để cháu có thể trở lại đi học như các bạn mà thôi”.
Chị Hải tiếp lời: “Do cả bố mẹ cô bé cùng vương vòng lao lý, anh trai thì ở với ông bà nội nên tôi quyết định sẽ tuyên phạt cô bé một mức án cụ thể nhưng cho hưởng án treo. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của các vị trong Hội đồng xét xử. Sau cùng, bị cáo Yên lĩnh 8 năm tù, còn M. chỉ bị phạt hơn 2 năm tù treo”.
Chuyện đã qua được 2 năm, nhưng trong trí nhớ của chị Hải thì từng diễn biến vẫn chưa hề phai nhạt. Ngay khi bản án được tuyên, rất đông người đã đứng dậy vỗ tay rào rào, người bật khóc vì xúc động, người chạy lên ôm lấy M. để chia sẻ. Bác tổ trưởng tổ dân phố nơi M. sinh sống còn vận động mọi người quyên góp một khoản tiền nhỏ mua sách vở cho cô bé.
“Bị cáo Yên thì không ngớt cảm ơn chúng tôi, nhưng suy cho cùng, giá như người mẹ đáng trách này không mờ mắt vì đồng tiền thì chắc chắn cô bé M. không phải chịu nỗi xót xa như phiên tòa hôm ấy” - chị Hải nói.
Chị Hải chia sẻ thêm về vụ án: “Hôm đó tôi xử xong vụ án mà thấy lòng thanh thản và nhẹ nhõm. Con gái tôi về nhà còn bảo ở trường, ở lớp, thầy cô giáo và bạn bè cháu đều khen mẹ đã có một quyết định hợp tình, hợp lý khiến tôi rất vui và hạnh phúc”.
“Cũng là một người mẹ, tôi chủ động xuống gia đình M. ngay khi bản án có hiệu lực. Cô bé đi học trở lại, dù muộn hơn một năm nhưng M. rất quyết tâm. Do hoàn cảnh khó khăn nên anh trai cô bé vừa làm thêm, vừa kèm cặp em học hành. Giờ thì cậu anh đã chuẩn bị tốt nghiệp đại học để làm một thầy giáo, còn cô bé đã học lớp 11 và thành tích học tập luôn được duy trì khá và giỏi. Tôi vẫn thường xuyên hỏi han hai anh em, động viên các cháu mau trưởng thành”.
Kỳ Anh
***
Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ án đặc biệt mà Thẩm phán Lê Thị Hoàng Hải đã từng xét xử. Trước lúc tạm biệt phóng viên, vị nữ Thẩm phán trải lòng: “Mỗi người, mỗi nghề đều có những áp lực riêng. Với người thẩm phán, mỗi vụ án trước khi được đem ra xét xử không chỉ cần nghiên cứu kỹ lưỡng các tình tiết trong hồ sơ để tránh lọt người, lọt tội mà còn phải tìm hiểu cả những điều mà trong cáo trạng không hề có, bởi mỗi phán quyết đưa ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của cả một đời người”.