Vậy trong trường hợp này, người bị hại nên làm gì? Trao đổi sau đây của Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội sẽ giải đáp một số thắc mắc của bạn đọc.
Khi không may bị lừa đảo qua mạng thì người dân nên xử lý như thế nào? trình báo cơ quan nào để được giải quyết, thưa Luật sư?
- Hành vi của đối tượng trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Và theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức là căn cứ đầu tiên để khởi tố vụ án hình sự.
Do đó, khi người bị hại phát hiện dấu hiệu lừa đảo và thực hiện tố giác, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bắt buộc phải tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời cho người bị hại theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bị hại sẽ nộp đơn trình báo tội phạm tại cơ quan Công an tại nơi vụ việc lừa đảo xảy ra, ở đây người bị hại có thể trình báo cơ quan Công an ngay tại nơi bạn cư trú. Đồng thời, kèm theo đơn của bị hại nên gửi kèm các bằng chứng, minh chứng cho sự kiện đã xảy ra, có thể là nội dung tin nhắn trao đổi, địa chỉ trang web của đối tượng lừa đảo, nội dung ghi âm cuộc nói chuyện,…
Khi đó, vụ việc sẽ được cơ quan cảnh sát điều tra nhanh chóng giải quyết, bằng nghiệp vụ của mình, các cơ quan này sẽ tìm ra được những đối tượng lừa đảo để xử lý.
Đối tượng lừa đảo qua mạng sẽ phải chịu hình phạt như thế nào, thưa Luật sư?
- Trong trường hợp xác định được danh tính của các đối tượng lừa đảo, các đối tượng này đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể là phải đối mặt với việc bị khởi tố/truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu tài sản lừa đảo có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ phải chịu mức án đến 03 năm tù.
Tuy nhiên, ở đây các đối tượng đã sử dụng phương tiện điện tử, viễn thông, Internet để lừa đảo, thông qua thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, do đó có thể coi là hành vi có tính chất chuyên nghiệp và dùng thủ đoạn xảo quyệt để phạm tội. Theo khoản 2 Điều này, người phạm tội có thể phải chịu mức án lên tới 7 năm tù.
Nếu số tiền các đối tượng chiếm đoạt còn lớn hơn nữa thì tùy thuộc vào mức độ, họ có thể phải chịu mức án lên tới tù chung thân.
Vậy theo Luật sư, người dân nên lưu ý những vấn đề gì để tránh bị lừa đảo qua mạng?
- Trên thực tế, do sự phát triển vượt bậc của hệ thống thông tin, điện tử, các tội phạm lợi dụng điều này càng trở nên tinh vi hơn, do đó việc xác định được các đối tượng là điều vô cùng khó khăn, nan giải cho các cơ quan chức năng.
Vậy nên, tôi cho rằng, mọi người dân cần phải chủ động có sự cảnh giác đối với tội phạm trên mạng và thực hiện các biện pháp an toàn cho chính mình, chẳng hạn như:
- Sàng lọc các thông tin, kiểm tra kỹ càng thông tin trên mạng Internet trước khi thực hiện các giao dịch điện tử.
- Không chia sẻ các thông tin cá nhân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết, không công khai danh tính trực tiếp.
- Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
- Có biện pháp bảo vệ tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân của mình để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt.
- Thận trọng với các thư điện tử nặc danh, không rõ ràng, không có thông tin xác thực của người gửi, đồng thời thận trọng với các đường link, ứng dụng không đáng tin cậy.
- Thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng Internet về các thủ đoạn mới của những người phạm tội để có biện pháp phòng tránh cho mình.