100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử
Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022 vừa diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, đến hết ngày 30/6/2022, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho 100% doanh nghiệp (DN), tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế.
Tính đến hết tháng 9/2022, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 1,5 tỷ hóa đơn. Việc triển khai HĐĐT không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội (như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,…), tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Cùng với triển khai thành công HĐĐT, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% DN trong tổng số hơn 870.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Việc ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Sau hơn 6 tháng triển khai đã có 171.871 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, 74.765 giao dịch với tổng số tiền trên 320 tỷ đồng. có 36 NCCNN đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng với tổng số thuế đã khai, nộp đạt trên 1.200 tỷ đồng.
Tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế
Để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, bên cạnh các yếu tố đóng vai trò quyết định đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế thì sự đồng hành của người nộp thuế (NNT) trong công tác chuyển đổi số được coi là yếu tố quyết định tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chính vì vậy, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phục vụ NNT thực hiện pháp luật thuế được tốt nhất.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Thuế triển khai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.
Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn, phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho NNT, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.
Đồng thời triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số (kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế).
“Với phương châm lấy NNT làm trung tâm để phục vụ, việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong công cuộc cải cách TTHC thuế, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung” – ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
“Các ngành Ngân hàng và Tài chính đã có những chuyển biến rất tốt trong chuyển đổi số. Trong đó ngành Thuế và Hải quan được coi là những ngành đi tiên phong trong chuyển đổi số. Nhưng các ngành không thể đi một mình, mà cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, việc chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ cần được đẩy nhanh hơn nữa…”.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia