Bí thư Hà Nội: Tạo sự phát triển bền vững trong hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô

(PLVN) - Sáng 9/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội với 150 đại biểu tham dự và trực tuyến tới 30 điểm cầu tại các quận, huyện, thị xã với hơn 5.100 đại biểu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư dự án “treo”

Tại hội nghị, đã có nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến các vấn đề lớn của Thủ đô, các nội dung liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn TP được đề cập.

Trong đó, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác Tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bạch Thành Định đề nghị thông tin thêm về tình hình triển khai, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư dự án đường Vành đai 4 và đề nghị Bí thư Hà Nội chỉ đạo TP khẩn trương hoàn thành đường Vành đai 1, 2, 3 để tạo sự đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông của TP.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo đặt câu hỏi về các dự án “treo”, chậm triển khai trên địa bàn và các tranh chấp tại nhà chung cư.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 712 dự án chậm triển khai. Nguyên nhân do quy hoạch, năng lực nhà đầu tư; khi sáp nhập địa giới hành chính phải điều chỉnh quy hoạch… Thành ủy, UBND, HĐND TP đã chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn.

Tại kỳ họp HĐND tháng 7/2023, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo và đến nay, đã xử lý đưa ra khỏi danh sách 419 dự án chậm triển khai. Hiện còn 293 dự án cần xử lý trong thời gian tới. Mục tiêu đến hết tháng 11/2023, cơ bản giải quyết xong 293 dự án.

Đến hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc cố tình chây ì, TP sẽ kiên quyết hủy bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư.

Thời gian tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tăng cường giám sát dự án đầu tư, xử lý dự án chậm muộn và khớp nối hạ tầng, công trình hạ tầng xã hội… để các dự án khi triển khai phát huy được hiệu quả. Đồng thời, đưa ra quy trình để kịp thời phát hiện dự án chậm triển khai để có giải pháp xử lý ngay.

Trả lời về các tranh chấp tại nhà chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện TP có 1.135 toà chung cư đã đưa vào sử dụng và có 132 chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005. Đến nay, đã có 820 toà đã thành lập được Ban Quản trị.

Trong quá trình thực hiện, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo việc quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, vận hành vẫn còn khó khăn, bất cập. Thời gian tới, TP chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp, bao gồm tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan rà soát vấn đề bất cập trong Luật nhà ở, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn để góp ý, bổ sung trong quá trình điều chỉnh Luật nhà ở.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương để nắm bắt, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từ cơ sở trong công tác quản lý, vận hành. Các Sở chuyên ngành thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Chủ đầu tư, Ban Quản trị, chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Chủ đầu tư, Ban Quản trị thực hiện nghiêm quy định liên quan quản lý về trật tự xây dựng, vận hành…

Đẩy nhanh tiến độ, triển khai dự án Vành đai 4 đáp ứng yêu cầu đặt ra

Tại hội nghị, trực tiếp trả lời một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, thông tin về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là dự án đầu tư quan trọng quốc gia; Quốc hội, Chính phủ tin tưởng giao cho TP Hà Nội là cơ quan triển khai dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngày 25/6/2023, Dự án đã được khởi công tại 4 vị trí ở các huyện (Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn) - nơi có đường Vành đai 4 đi qua.

Đến nay, việc triển khai Dự án đang rất khẩn trương với sự vào cuộc của các cấp, các ngành TP. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, triển khai đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Về công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, Bí thư Hà Nội cho biết, tính đến ngày 28/7/2023, UBND các quận, huyện đã giải phóng mặt bằng xong 686,54/793,80ha (đạt 86,49% diện tích đất thu hồi).

Tính đến ngày 28/7/2023, UBND các quận, huyện đã di chuyển 6.258/10.034 ngôi mộ (đạt tỷ lệ 62,37%). Dự kiến, TP sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023.

Đối với công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư, có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án. Hiện, có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.

Về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất, trong quá trình triển khai, TP đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, pháp nhân; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng… để từ, đó đưa ra những chính sách bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân…

Quang cảnh hội nghị.

Đối với việc hoàn thành các đường Vành đai 1, 2 và 3 để tạo sự đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông của TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Các quy hoạch này nhằm từng bước khép kín các tuyến đường vành đai theo quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô đồng thời tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Hà Nội khẳng định TP sẽ quyết tâm hoàn thành các đoạn đường còn lại để khép kín các đường Vành đai 1, 2, 3. Từ đó, đồng bộ với đường Vành đai 4, tạo ra sự phát triển bền vững trong hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa các tỉnh thành và nâng cao đời sống người dân trong khu vực.

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, chủ trương cho thuê vỉa hè lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng hiện nay chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè thì phải có đủ căn cứ pháp lý. Về việc này, TP Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến Nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến Nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai. Một số quận, như quận Hoàn Kiếm đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến Nhân dân.

Thêm vào đó, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là chưa hợp lý.

Bí thư Hà Nội nêu rõ, lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân Thủ đô, do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại trên cơ sở phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của Nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp…

Đọc thêm