Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Không lấp hồ, ao để làm khu đô thị, khu nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm trên trong phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII diễn ra chiều 2/11.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.

Triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu úng ngập

Ngày 2/11, tại hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP trình bày báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn TP.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, trong các tháng 5, 6, 7 vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, đặc biệt, trận mưa ngày 29/5 có lượng mưa phổ biến trên 100mm, đặc biệt trên địa bàn quận Cầu Giấy có lượng mưa 180mm nên nhiều khu vực trên địa bàn TP bị ngập sâu.

Dù các đơn vị chức năng đã kịp thời ứng trực, xử lý tiêu thoát nước nhưng với trận mưa có cường độ lớn thì công tác chống úng ngập vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Về thực trạng hệ thống thoát nước đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, khu vực nội thành Hà Nội có 12 quận với diện tích khoảng 313,19km2.

Trong đó, hệ thống thoát nước TP bao gồm 3.061,94km cống rãnh; 236,48km mương, sông, kênh… Khu vực ngoại thành bao gồm các thị trấn thuộc huyện, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ; hệ thống thoát nước quản lý với khối lượng là 616,81km cống rãnh; 48,47km kênh mương.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, lượng mưa có thực tế vượt xa lượng mưa tính toán theo quy hoạch.

Trong khi đó, tình hình phát triển đô thị những năm gần đây phát triển nhanh, nhưng hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5km2; còn lại các khu vực khác mới bắt đầu hoặc đang nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/giờ sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa đến 100mm/giờ, xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ tại các ngõ ngách, khu dân cư và cục bộ một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.

Lý giải những nguyên nhân gây úng ngập, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho rằng, do các điểm úng ngập ở vị trí điểm trũng, xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ. Mặt khác hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch.

Lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng, làm cho hệ thống thoát nước luôn quá tải dẫn đến thời gian tập trung nước vào hệ thống nhanh, gây ra úng ngập cục bộ. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp đặc biệt khu vực ngoại thành đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ trong nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, để đảm bảo công tác thoát nước trên địa bàn trong thời gian tới, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp như lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập; tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thoát nước tại các vị trí xảy ra úng ngập.

Bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối đảm bảo vận hành 100% công suất; Thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn TP.

Đặc biệt, TP sẽ tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội; xử lý tình trạng ngập úng khu vực đô thị phía Tây và Tây Nam thành phố thông qua việc rà soát lòng dẫn kênh La Khê, tổ chức nạo vét khơi thông vị trí còn hẹp và nâng cao khả năng tiêu thoát của kênh La Khê…

Làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy

Phát biểu chỉ đạo vền nội dung này, tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhận thấy, tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên trên địa bàn TP có nguyên nhân khách quan là do Hà Nội có quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư gia tăng nhanh chóng; biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, gây ra những đợt mưa lớn bất thường trái quy luật, lượng mưa hằng năm ngày càng có sự giao động lớn, khó dự báo.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là sự vào cuộc thiếu quyết liệt, chưa sâu sát của một số cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của TP; dẫn đến hệ thống thoát nước của TP vẫn chưa được hoàn chỉnh; việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ;

Quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của TP Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2009-2013, nhưng việc đầu tư các công trình tiêu, thoát nước đô thị và nông thôn của TP theo quy hoạch còn rất chậm.

Bên cạnh đó, sông Nhuệ và một số con sông khác trên địa bàn TP chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông và việc lấp hồ ao để xây dựng các dự án cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng úng ngập thời gian qua.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động theo báo cáo chỉ chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu nước thải được xử lý trên địa bàn TP đến năm 2020 (60%) theo quy định tại Quyết định số 1659 ngày 7/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án chưa được đầu tư theo quy hoạch hoặc đã được đầu tư nhưng tiến độ rất chậm và thiếu đồng bộ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, cùng với việc tán thành với báo cáo công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn TP Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của TP khẩn trương thực hiện 4 nhiệm vụ chủ yếu.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát, đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch thủy lợi đối với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là khu vực các huyện được định hướng sẽ phát triển thành quận và TP trực thuộc Thủ đô. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch thoát nước đô thị và nông thôn của TP Hà Nội, bảo đảm phù hợp, đồng bộ và hiệu quả.

Đồng thời, Hà Nội phải khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch và các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn TP; nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước trên địa bàn, để tăng khả năng chứa nước, phục vụ việc thoát nước đô thị; đặc biệt là tại địa bàn các quận, huyện có nhiều khu đô thị mới và các khu vực có mật độ dân cư cao như các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Trước mắt, UBND TP, các sở, ngành liên quan của TP cần khẩn trương tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tuyến kênh La Khê theo quy định hiện hành, sớm triển khai phần còn lại của dự án, bảo đảm trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được vận hành 100% công suất, phát huy hiệu quả trong tiêu thoát úng ngập cho lưu vực của dự án.

Đối với khu vực nông thôn, Bí thư Hà Nội nêu rõ yêu cầu cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước; làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt; đặc biệt là tại khu vực các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức...

“Quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp...; đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Về Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP bước đầu đồng tình với 9 nhóm chính sách lớn theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP, để đảm bảo tiến độ hồ sơ đề xuất xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhấn mạnh Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đột phá cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành đảng bộ TP Hà Nội giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP tiếp tục tổng hợp, tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, tập trung hoàn thiện thêm một bước nữa các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trên cơ sở hồ sơ đã được hoàn thiện, giao Ban cán sự Đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND TP phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để tiếp thu, giải trình trước khi trình Chính phủ. Đồng thời giao Đảng đoàn HĐND TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP, cùng với Ban Cán sự đảng UBND TP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo tiến độ đề ra.

Đọc thêm