Quá trình thực hiện phải tính toán các phương án phù hợp
Ông Nên cho biết, ngày mai (28/12), Thành ủy TP sẽ họp phiên mở rộng để cho ý kiến về phương án sắp xếp. Đây là việc làm bình thường từ trước đến nay, nhưng bây giờ làm sớm hơn để đáp ứng tình hình mới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Đây là nhu cầu cấp thiết trong tình hình mới cần tái cấu trúc, sắp xếp, tuyển chọn lại nhân sự.
Cũng theo ông Nên, mới đây, Bộ Chính trị đã họp bàn chính sách cho các cá nhân, tổ chức bị tác động khi sắp xếp lại bộ máy. “Chính sách phải hợp lý, hài hòa, thấu đáo. Có những tổ chức chồng chéo chức năng, nhiệm vụ phải sắp xếp lại cho tinh gọn”, ông Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP cho rằng TP HCM đã trải qua nhiều cuộc sắp xếp với hàng ngàn người bị ảnh hưởng. Quá trình thực hiện TP phải tính toán các phương án phù hợp, lựa chọn đúng người tài, có khả năng, trình độ, khát vọng cống hiến. Theo ông Nên, “nếu cán bộ đã có khát vọng cống hiến thì ở chỗ nào, vị trí nào đều có thể cống hiến”.
Về vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP đề nghị đơn vị thuộc diện sắp xếp và cả các đơn vị không thuộc diện sắp xếp đều phải tái cấu trúc, cải cách lại đơn vị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong đó phải tập trung nghiên cứu, nhận diện các vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp để đề xuất Trung ương kịp thời có các quy định để thực hiện.
“UBND TP đã phân công Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Dương Ngọc Hải chủ trì nghiên cứu các quy định này. Nếu chậm sẽ rất khó, nhập lại mà không kịp thời sửa quy định sẽ không làm việc được”, ông Mãi nói.
TP Hồ Chí Minh sẽ còn 15 Sở sau khi sắp xếp, tinh gọn
Tại Hội nghị, ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, theo phương án mới nhất, TP HCM sẽ còn 15 Sở sau khi sắp xếp, tinh gọn, tức giảm 6 thay vì 8 Sở như định hướng được công bố trước đây.
Theo ông Thuận, Trung ương cho phép TP HCM có 15 Sở và giữ Sở nào là thẩm quyền của Thường vụ Thành ủy TP HCM. Lý giải về việc thay đổi, lãnh đạo Sở Nội vụ TP cho biết, Hà Nội không có Sở An toàn thực phẩm nên giữ Sở Quy hoạch - Kiến trúc; trong khi TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội thì lại có. "Do đó, nếu kết thúc hoạt động Sở An toàn thực phẩm thì không còn đặc thù nữa", ông Thuận nói, cho biết Sở Nội vụ đang trình hai phương án sắp xếp.
Dự kiến sau sắp xếp, TP HCM sẽ tinh gọn và giảm 15% đầu mối tổ chức bên trong và tinh giản biên chế theo lộ trình do Trung ương quy định. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP phê duyệt phương án hợp nhất các đơn vị theo lộ trình 9 bước để hoàn thành vào ngày 28/2/2025.
Cụ thể, TP giảm từ 21 còn 15 Sở, giảm từ 8 cơ quan hành chính còn 4 cơ quan, giảm từ 35 đơn vị sự nghiệp công lập còn 32 đơn vị. Với các quận, huyện, giảm từ 12 phòng ban chuyên môn còn 10 phòng, riêng Thủ Đức giảm từ 16 còn 14 cơ quan.
Từ 28 - 31/12, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành việc rà soát đề án sắp xếp gửi Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND. Từ 1/1 - 7/1/2025, Sở Nội vụ tổng hợp trình Ban Cán sự Đảng UBND TP thông qua, trình Ban Thường vụ Thành ủy TP dự thảo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, các quyết định hoặc nghị quyết tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập và các dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các cơ quan đơn vị. Từ 8 - 12/1/2025, Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ họp thông qua đề án sắp xếp.
Chủ đề năm 2025 là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy
Tại Hội nghị, ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND TP trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,17% (chỉ tiêu đề ra 7,5%).
Giải ngân đầu tư công đến nay đạt 60.944 tỷ đồng, tỷ lệ 76,9%; đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) giải ngân đạt là 64.528 tỷ đồng, tỷ lệ 81,4% (trên 79.263 tỷ đồng vốn giao).
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện năm 2024 là 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. Xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2023. Nhập khẩu ước đạt 58,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Cũng trong năm, có 34/64 dự án bất động sản được tháo gỡ khó khăn, đang tháo gỡ các dự án còn lại. Số DN thành lập mới khoảng 52.500 với số vốn đăng ký mới ước đạt 400.000 tỉ đồng, giảm 1,2% về số lượng, giảm 16,6% về vốn đăng ký.
Có khoảng 4.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,6%. 32.500 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 17,2%. 15.800 DN hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ. Năm 2024, TP đã giải quyết việc làm cho 330.000 lượt người, tạo ra 150.000 việc làm mới. Tỉ lệ thất nghiệp đô thị là 3,81%.
TP HCM xác định chủ đề năm 2025 là “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết số 98; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TP”.
Cùng với chủ đề năm, UBND TP HCM đề ra mục tiêu cơ bản cho năm 2025 với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên 10%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD/người; phấn đấu giải ngân đầu tư công trên 95%.
Tại Đà Nẵng, đại điện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thực hiện kết quả triển khai Nghị quyết 18, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã họp và thảo luận trước khi thống nhất đề án trình Ban Chỉ đạo Trung ương. Theo đó, thống nhất tiến hành sáp nhập một số sở, ngành theo định hướng của Trung ương.
Đà Nẵng cũng thống nhất chủ trương giữ lại Sở Du lịch vì hoạt động về du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP đóng góp tỉ trọng hơn 62% và đây cũng là một ngành có tính chất đặc thù riêng, mũi nhọn kinh tế của TP.
TP tiến hành sáp nhập 6 ban quản lý dự án còn lại 3 ban. Với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật dự kiến sáp nhập thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng. Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng chuyển thành Chi cục thuộc Sở Công Thương. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư về trực thuộc Văn phòng UBND TP.
Với các phương án này, Đà Nẵng đã giảm được 7 Sở và đơn vị tương đương. Đến nay, việc tinh giản bên ngoài và cấu trúc bên trong đã thực hiện với tỉ lệ trên 20%.