BIDV cân nhắc khả năng tài trợ 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế phát triển KT-XH

(PLO) - Ngày 5/7/2016, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Tọa đàm giới thiệu tiềm năng đầu tư phát triển du lịch giữa UBND Thừa Thiên Huế và các nhà đầu tư tiềm năng. Đây là sự chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016.
BIDV cân nhắc khả năng tài trợ 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế phát triển KT-XH

Tại Tọa đàm, bên cạnh các báo cáo về tiềm năng thế mạnh và các dự án kêu gọi đầu tư tại chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch sắp tới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã công bố các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của Việt Nam; có vị trí thuận lợi về giao thông; là cửa ngõ hướng ra biển Đông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây. Thừa Thiên Huế có địa hình tự nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều danh thắng nổi tiếng như Vịnh Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã, 05 di sản nhân loại được UNESCO công nhận với quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình được công nhận là di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác gắn liền với hơn 500 lễ hội. Với vị trí chiến lược và các điều kiện tự nhiên đó, Thừa Thiên Huế có điều kiện phát triển đa dạng các ngành kinh tế, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đó là: Xây dựng Thừa Thiên Huế  theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung và một trong những Trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và khoa học - công nghệ.

Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, để thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2016-2020 bao gồm 30 dự án thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng, ….với tổng số vốn khoảng 70 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, qui mô đầu tư lớn, tính khả thi cao, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch như: Xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, sân golf, khu đô thị An Vân Dương, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô,…. 

Với mong muốn là cầu nối giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với các nhà đầu tư, tại tọa đàm, BIDV đã đưa ra một số đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư; Xem xét, nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch đã ban hành phù hợp với bối cảnh Việt nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour du lịch đặt trong không gian du lịch miền Trung; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp phép đầu tư; Cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thu hút đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để các nhà đầu tư, khách du lịch dễ dàng và thuận tiện khi xuất nhập cảnh vào Việt Nam; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, xây dựng, giao thông vận tải…..

Về phía BIDV, là đơn vị đầu mối phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, BIDV sẽ cân nhắc khả năng tài trợ 5.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng của tỉnh, gồm: Du lịch, Đầu tư cơ sở hạ tầng và Nông nghiệp công nghệ cao,…

Đọc thêm