'Biển bạc' từ lát cắt kinh tế hàng hải

(PLO) - Là một trong 6 ưu tiên của chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, kinh tế hàng hải được kỳ vọng là một trụ cột quan trọng, góp phần biến “biển bạc” thành những lợi kinh tế cho đất nước.

 

Cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận thành công tàu trọng tải 18.300 TEU, tương đương 194.000DWT
Cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận thành công tàu trọng tải 18.300 TEU, tương đương 194.000DWT

Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Nghị quyết này xác định kinh tế hàng hải có tính đặc thù, nhiều tiềm năng cần được khơi dậy và phát huy, trong đó khai thác cảng biển, vận tải biển đóng vai trò quan trọng và là bàn đạp để vươn ra biển và hội nhập với quốc tế.

 Cảng biển Việt Nam - “mắt xích” trong hải trình quốc tế

Xác định cảng biển là hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế biển, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) thời gian qua đã tập trung phát triển hoàn thiện. Đến nay, đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển (32 cảng biển trong lục địa và 13 cảng dầu khí ngoài khơi), với 263 bến cảng, tổng chiều dài gần 87.550 m cầu cảng, công suất thông qua khoảng 550 triệu tấn/năm.

Trao đổi với PLVN, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Sang cho hay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thời gian gần đây tăng với con số 2,7 lần - từ 168 triệu tấn năm 2007 lên 441 triệu tấn năm 2017 (riêng hàng container tăng 3,2 lần - từ 4,5 triệu TEU năm 2007 lên 14,3 triệu TEU năm 2017).

“Những cảng này đã góp phần quan trọng thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, từ đó tạo động lực tích cực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế và hợp tác quốc tế của đất nước”, ông Sang nhấn mạnh.

Cụ thể, cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận thành công tàu trọng tải 18.300 TEU, tương đương 194.000DWT. Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển của ta làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.

Theo Bộ GTVT, hiện cả nước vận hành, khai thác 49 tuyến luồng hàng hải công cộng, với tổng chiều dài 944km cùng hệ thống 96 đèn biển, hàng ngàn phao tiêu báo hiệu hàng hải. Bên cạnh kết cấu hạ tầng hàng hải được đầu tư bằng ngân sách, ngành này còn thu hút đầu tư 15 tuyến luồng hàng hải và hệ thống phao tiêu báo hiệu đồng bộ từ nguồn vốn tư nhân, phục vụ chính những dự án cảng chuyên dùng của doanh nghiệp.    

Riêng về dịch vụ đóng tàu, theo đánh giá, lĩnh vực này còn nhiều dư địa. Hiện đã hình thành hệ thống đóng tàu và dịch vụ đi kèm gắn với các khu vực cảng biển lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM,  Bà Rịa - Vũng Tàu.... Thống kê cho thấy, hệ thống này có 92 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền (từ 1.000 DWT trở lên). Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng mới dự kiến khoảng 3 - 5 triệu DWT/năm, sửa chữa khoảng 12-19 triệu DWT/năm. Cỡ tàu đóng mới lớn nhất đến 150.000 DWT, sửa chữa lớn nhất 70.000 DWT.

“Hệ thống các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển bước đầu đáp ứng một phần thị trường đóng, sửa chữa tàu biển của Việt Nam và tham gia thị trường đóng tàu xuất khẩu” đại diện Cục Hàng hải Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Hàng hải Việt Nam: "Chúng tôi đã tham mưu kịp thời cho Bộ GTVT góp ý xây dựng chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045"
Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Hàng hải Việt Nam: "Chúng tôi đã tham mưu kịp thời cho Bộ GTVT  góp ý xây dựng chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045"

Tăng trưởng xanh trong kinh tế hàng hải

Để có cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, ngành Hàng hải đã tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đồng thời Cục này đã tham mưu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo định hướng chiến lược phát triển kinh tế hàng hải trình Ban cán sự Đảng Chính phủ cập nhật trong dự thảo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ở cơ sở, Đảng bộ Cục Hàng hải Việt Nam chi tiết bằng cách ban hành Nghị quyết của Ban thường vụ để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, với các nội dung chi tiết, thiết thực.

“Chúng tôi sẽ tổ chức rà soát, xây dựng mới quy hoạch phát triển ngành Hàng hải giai đoạn đến năm 2030, trong đó chú trọng xây dựng chính sách đảm bảo tính khả thi, sự đồng bộ giữa phát triển cảng với các dịch vụ hỗ trợ đảm bảo kết nối liên thông giữa cảng biển với hạ tầng logistisc, hạ tầng giao thông và các vùng miền, địa phương trong cả nước”, lời Cục trưởng Sang.

Về thể chế, Cục đề xuất tham mưu Bộ GTVT rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành Hàng hải để tháo các nút thắt, tạo động lực nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực, hạ tầng giao thông kết nối, phát triển đội tàu biển hiệu quả, tạo điều kiện để hình thành mô hình tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế hàng hải…

Nâng cao hiệu lực, hiểu quả quản lý Nhà nước về hàng hải

Nhận thức thể chế là trọng tâm, kim chỉ nam cho công tác quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng hợp tác quốc tế về hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam gần đây đã tham mưu Bộ GTVT hoàn thiện các văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi; các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Hàng hải như: Đăng ký và mua, bán tàu biển; Điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; Điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; Quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa công-te-nơ bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển; Quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn...

Đọc thêm