Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc quán triệt và nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch, chương trình hiệu quả, có chất lượng; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
|
Ông Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình để tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công theo hướng dẫn của Trung ương làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như: đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;
Tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm của của cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực then chốt như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, tài sản công. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, phô trương.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công. Tập trung rà soát, loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết cũng như đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án trọng điểm của địa phương, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn (nếu có); các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt chú trọng khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên rừng, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định cũng sẽ bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, quy ước của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển khai rộng rãi, có hiệu quả Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1478/QĐ TTg ngày 28/11/2022, đồng thời thực hiện đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người.