Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số là di tích cấp tỉnh được UBND tỉnh xếp hạng tại Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 20/5/2005. Đây là địa điểm ghi lại sự kiện vào 4 giờ sáng ngày 01/11/1964, đội tàu không số (ký hiệu 401) với 30 tấn vũ khí và 6 tấn thuốc nổ do đồng chí Phạm Vạn làm thuyền trưởng đã đánh lừa tàu tuần dương của địch, vượt qua sóng gió, tăng tốc cập bến, đưa toàn bộ vũ khí lên bờ, cất giấu an toàn và tiêu hủy xác tàu.
|
Di tích lịch sử Lộ Diêu |
Bên cạnh đó, Tàu không số 401 - Con tàu đầu tiên mở bến vào chiến khu 5 và là con tàu duy nhất cập bến vùng biển Bình Định được xem là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, thị xã Hoài Nhơn nói riêng trong nhiều năm qua.
Với sự thông minh, mưu trí của cán bộ chiến sĩ, tàu không số đã vượt qua bão tố, phối hợp chặt chẽ lực lượng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân địa phương, nhất là thôn Lộ Diêu, Phú Thứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa tàu cập bến an toàn, góp phần vào những chiến công vang dội trên khắp chiến trường.
|
Bí thư tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng tặng quà cho ông Lê Nốt, nhân chứng sự kiện tàu không số tại Lộ Diêu. |
Theo ông Phạm Trương - Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn cho biết, Những năm qua, thị xã Hoài Nhơn và thôn Lộ Diêu xã Hoài Mỹ luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Qua đó, địa phương đã xác định việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị to lớn của Di tích lịch sử Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến Tàu không số chi viện vũ khí vào khu 5 nhằm tri ân, tôn vinh lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, của tình đoàn kết gắn bó keo sơn, quân dân dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đồng thời xây dựng nơi đây thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, một điểm tham quan du lịch về nguồn sinh động, nguyên sơ hấp dẫn trên quê hương Lộ Diêu, Hoài Mỹ giàu truyền thống cách mạng.
|
Ông Phạm Trương - Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Được biết, vào năm 2018-2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định và các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy, UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) điều chỉnh mở rộng quy hoạch Di tích từ 6.825 m2 lên 15.000 m2 và đã đầu tư, tôn tạo Di tích giai đoạn 1 với kinh phí trên 15 tỷ đồng. Các hạng mục trên đã hoàn thành để phục vụ khách tham quan và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng khu di tích tàu không số, mãi mãi trường tồn trên địa bàn thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá rất cao Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị xã Hoài Nhơn đã tổ chức một hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm khẳng định giá trị lịch sử trường tồn của di tích lịch sử Bãi biển Lộ Diêu gắn liền với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển - một kỳ công chiến lược, một con đường huyền thoại với rất nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta, là con đường của ý chí và sự sáng tạo Việt Nam” trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.
|
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Theo ông Lâm Hải Giang nhận định, di tích Bãi biển Lộ Diêu - Nơi cập bến Tàu không số chi viện vũ khí vào khu V là một địa chỉ đỏ, có giá trị giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Qua đây, ông Lâm Hải Giang cũng đề nghị UBND thị xã Hoài Nhơn, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của Thị xã tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động và có những giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng nơi đây trở thành địa điểm giáo dục truyền thống Cách mạng, điểm tham quan về nguồn hấp dẫn nhằm tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, kết hợp với phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XX.
|
Ủy ban Nhân dân thị xã Hoài Nhơn trao tặng số tiền 200 triệu đồng cho thôn Lộ Diêu để nâng cấp, chỉnh trang nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thôn Lộ Diêu. |
|
Đại tá Phạm Minh Chiến - Chính ủy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải Quân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Đồng thời, UBND thị xã Hoài Nhơn cũng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; tập trung phối hợp với các ban, ngành của tỉnh tiến hành rà soát, kiểm kê di tích cũng như chủ động xây dựng đề án, dự án, kế hoạch tu bổ, phục hồi các di tích, nhất là đối với những di tích đã được xếp hạng, gắn với phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác số hóa các di tích, nghiên cứu và áp dụng mô hình phù hợp để từng bước xã hội hóa công tác quản lý các di tích, nhất là các di tích có khả năng thu hút khách du lịch…