Bình Định tập trung tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành nhiều chương trình hành động đề ra chủ trương đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh gắn với phát triển du lịch, qua đó tạo điều kiện cho nhiều di tích lịch sử - văn hoá được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp và phát huy giá trị cũng như nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo vệ, khai thác và phát huy.
Bình Định tập trung tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn

Theo Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, địa phương hiện đang có 143 di tích được xếp hạng, gồm 02 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 107 di tích cấp tỉnh gồm đủ các loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh.

Trong những năm qua, tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương, qua đó nhiều công trình di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo đạt kết quả tích cực như: Triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hoá liên quan phong trào nông dân Tây Sơn: Quy hoạch, xây dựng mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt; đầu tư xây dựng Khu tâm linh tại di tích Đài Kính Thiên; trùng tu, tôn tạo di tích Gò Lăng và khu di tích Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam kiệt; mở rộng Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt và xây dựng Nhà thờ tổ Tây Sơn Tam kiệt; xây dựng tôn tạo, phục hồi di tích Bến Trường Trầu…

Đài Kính thiên nhìn từ trên cao

Đài Kính thiên nhìn từ trên cao

Bên cạnh đó, đối với hệ thống di tích tháp Chăm, từ nguồn kinh phí đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh, tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp các di tích tháp: Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Tháp Phú Lốc, Tháp Dương Long, Tháp Cánh Tiên, Tháp Bình Lâm. Trong đó, một số tháp đang được khai thác phục vụ khách tham quan du lịch như: Tháp Đôi, Tháp Cánh Tiên, Tháp Bánh Ít, Tháp Dương Long.

Đối với các di tích lịch sử cách mạng, nhiều công trình di tích lịch sử cách mạng, nhà lưu niệm được đầu tư xây dựng tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện và huy động các nguồn vốn xã hội hóa như: Biểu tượng địa điểm tập kết ra Bắc, Khu di tích Nhà tù Phú Tài, Khu di tích cách mạng Núi Bà, Nhà bia tưởng niệm chiến thắng của Sư đoàn 3 Sao Vàng (Hoài Nhơn), Khu di tích lịch sử cách mạng Núi Chéo (Hoài Ân), di tích lưu niệm Nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức, di tích Hố Đá Bàn, Chiến thắng Cầu Cương, Chiến thắng Đồi Miếu, Vụ thảm sát Cầu Bình Trị - Đập Cây Kê, di tích Nơi thành lập Chi bộ Đề-pô Diêu Trì, di tích Nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh, Chiến thắng Chợ Cát, Nơi cập bến Tàu Không số tại bãi biển Lộ Diêu; đang triển khai nâng cấp, mở rộng di tích lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu...

Tháp Bánh ít tại xã Phước Hiệp, Tuy Phước (Bình Định)

Tháp Bánh ít tại xã Phước Hiệp, Tuy Phước (Bình Định)

Nhìn chung, công tác trùng tu, tôn tạo di tích tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, về bảo vệ di sản văn hóa; các công trình đáp ứng yêu cầu về chất lượng công trình, tính thẩm mỹ; tuân thủ các quy định về bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Nguồn kinh phí đầu tư cho di tích còn hạn chế nên việc đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích chưa đồng bộ, chưa kịp thời. Thời gian thực hiện tu bổ, phục hồi các công trình di tích kéo dài, nhất là đối với việc tu bổ, phục hồi các công trình tháp Chăm, do đặc thù của các công trình này cần phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, phải được thông qua nhiều cấp, từ trung ương đến địa phương để thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án.

Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ tăng cường đầu tư kinh phí cho Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, nhất là đối với công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích nhằm góp phần khôi phục, tôn vinh giá trị di sản văn hóa của dân tộc; ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí để tu bổ di tích; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Đọc thêm