Bình Dương phấn đấu vào “top” đầu cả nước về chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổ Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bình Dương quyết tâm hoàn thành các mục tiêu lớn như xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, đảm bảo các điều kiện an toàn thông tin để người dân, doanh nghiệp giao tiếp với chính quyền qua môi trường số. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ triển khai mạng 5G thương mại theo lộ trình, và hàng loạt giải pháp để đưa tỉnh Bình Dương vào “top” đầu cả nước về CĐS.
Bình Dương phấn đấu vào “top” đầu cả nước về chuyển đổi số

Thành lập Khu Công nghiệp thông tin tập trung

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông (TT&TT), Tổ phó Tổ Chỉ đạo CĐS tỉnh Bình Dương, Bộ TT&TT vừa công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ và tỉnh. Trong đó, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố. Về hoạt động Triển khai Dịch vụ công trực tuyến, kết quả của Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (gọi tắt là Bộ chỉ số 766) tỉnh Bình Dương xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố.

Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh doanh TOP 1 ICF năm 2023.

Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh doanh TOP 1 ICF năm 2023.

Về Kinh tế số, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ thành lập “Khu Công nghiệp thông tin tập trung Bình Dương” dự kiến được phê duyệt trong tháng 9. Mô hình này đi vào hoạt động sẽ làm tăng không gian trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn có thể dễ dàng tiếp cận, trực tiếp trải nghiệm thực tế tại các đặt tại đơn vị sự nghiệp, cấp huyện và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bình Dương thể hiện quyết tâm cao khi tập trung hoàn thiện các thủ tục để thành lập khu công nghệ thông tin tập trung nhằm tạo ra một hệ sinh thái đổi mới hoàn thiện, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động sản xuất chuyên môn cao tại các khu công nghiệp cũng như toàn bộ khu vực sản xuất trong vùng.

Khu công nghiệp này đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phần phát triển kinh tế số và xã hội số...

Các chuyên gia CĐS nhận định, việc Bình Dương tạo ra các khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, thu hút đầu tư cho việc sản xuất các sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng, dữ liệu lớn. Mục tiêu là tạo ra một vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin tại khu vực bao gồm Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút đầu tư cho các sản phẩm điện tử, IoT và các sản phẩm công nghệ khác.

Đoàn doanh nghiệp bang Nebraska – Hoa Kỳ tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC) tại Trung tâm Hành chính tỉnh.

Đoàn doanh nghiệp bang Nebraska – Hoa Kỳ tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC) tại Trung tâm Hành chính tỉnh.

Về kế hoạch xây dựng mô hình xã hội số, toàn tỉnh đã có tổng chữ ký số là 139.511 chữ ký. Trong đó chữ ký số cá nhân là 120.399 chữ ký số công cộng miễn phí dành cho người dân, khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp nền tảng để người dân ký số khi tham gia hệ thống trực tuyến mà không phải đến giao dịch trực tiếp; chữ ký số cấp cho cán bộ, công chức, viên chức 19.602 chữ ký. Để thực hiện đề án một cách sâu rộng, Sở TT&TT đã triển kế hoạch hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với 2 nhiệm vụ là hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và triển khai hướng dẫn ứng dụng Bình Dương Số và một số ứng dụng phổ biến, kỹ năng khác.

Đồng thời, Sở TT&TT còn tổ chức triển khai gia hạn bản quyền, dịch vụ hỗ trợ bảo hành thiết bị cho Trung tâm dữ liệu của tỉnh, đáp ứng về độ sẵn sàng, an toàn thông tin phục vụ xuyên suốt, nhất là công tác phòng chống ransomeware vừa qua; triển khai thuê hệ thống phòng họp không giấy tập trung tỉnh Bình Dương sử dụng chung cho tất cả cơ quan trong tỉnh.

Triển khai nền tảng xác thực tập trung cho cán bộ công chức, viên chức thống nhất trong quản lý, truy cập vào hệ thống chính quyền số của tỉnh; triển khai Kiến trúc chính số 3.0 theo quy định của trung ương; tiếp tục hoàn thành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và IOC của 2 thành phố; có 3 IOC huyện đang xây dựng và 4 đơn vị đã được phê duyệt; triển khai dự án đảm bảo nguồn nhân lực 4 tháng cuối năm 2024; tổ chức đánh giá hiệu năng mạng Tòa nhà Trung tâm hành chính và đề xuất giải pháp hoàn chỉnh trong thời gian tới.

Bốn trụ cột phát triển kinh tế số

Theo Sở TT&TT, các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương sẽ được tổ chức từ tháng 9 đến hết tháng 10/2024, trong đó tập trung vào 3 thông điệp, gồm: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Trong đó, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; Bình Dương “vững vàng, bứt phá, tăng tốc” tập trung nâng cao chất lượng CĐS trên các lĩnh vực.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, CĐS còn mang đến sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại. Mục đích mà các doanh nghiệp CĐS hướng tới là: tăng tốc độ mở rộng thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu trong thời kỳ Bình Dương bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển một nền công nghiệp hiện đại.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu trong thời kỳ Bình Dương bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển một nền công nghiệp hiện đại.

Để CĐS, các doanh nghiệp sản xuất đều phải thực hiện một quá trình là: phân tích dữ liệu nâng cao, tự động hóa quy trình và ứng dụng thành tựu công nghệ như: IoT và AI - Machine Learning (trí tuệ nhân tạo - máy học). Việc phân tích dữ liệu nâng cao chính là tận dụng dữ liệu để xác định, kết hợp với công nghệ IoT kiểm soát tình trạng hoạt động của thiết bị, xác lập kế hoạch bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất bảo đảm hoạt động ổn định nhằm tiết kiệm được chi phí khi phải xử lý sự cố liên quan đến hệ thống thiết bị sản xuất.

Bên cạnh đó, việc phân tích dữ liệu nâng cao và dự báo còn giúp cho việc tối ưu trong quản lý sự phụ thuộc giữa các bộ phận, giúp cho việc điều phối nhân công diễn ra dễ dàng và chính xác hơn. Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xác định CĐS trong doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ Bình Dương bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển một nền công nghiệp hiện đại và cạnh tranh cao trong giai đoạn hội nhập.

Với sự linh động, tích cực tạo điều kiện CĐS của UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành, hy vọng hệ thống doanh nghiệp Bình Dương sẽ hoàn thành việc CĐS trong lĩnh vực kinh tế cũng như các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu quốc gia về CĐS và xứng đáng là một hình mẫu phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện đề án 06 và thành phố thông minh tỉnh Bình Dương có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong Bộ chỉ số 766, hồ sơ đồng bộ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, nhóm chỉ số công khai minh bạch, dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ chưa đạt kỳ vọng. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo đạt kết quả cao hơn.

Chuyển đổi số là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Theo các mô hình CĐS đã triển khai, Bình Dương đã ứng dụng thành công mô hình xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm hệ thống các trung tâm về tự động hóa, sản xuất thông minh, sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo (AI)... Tỉnh Bình Dương còn xây dựng hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể thực hiện quá trình CĐS, thích ứng nhanh và sâu hơn, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng triển khai thu hút đầu tư logistics xanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng hiện đại, liên kết dịch vụ logistics cấp vùng, khu vực và quốc tế. Hiện chuỗi cung ứng trong hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đã CĐS từng phần, nhưng chưa đạt như kỳ vọng, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Bình Dương xác định chuyển đổi số ngành công nghiệp logistics để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế địa phương và hướng đến trung tâm logistics của khu vực phía Nam.

Bình Dương xác định chuyển đổi số ngành công nghiệp logistics để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế địa phương và hướng đến trung tâm logistics của khu vực phía Nam.

Theo các chuyên gia, Bình Dương cần đòn bẩy trong lĩnh vực CĐS ngành công nghiệp logistics để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế. Bình Dương đã xác định việc đẩy mạnh dịch vụ logistics là một trong những nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tích cực xây dựng Đề án Phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các doanh nghiệp logistics trên địa bàn đang tích cực CĐS, tiêu biểu như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất cải tạo và xây dựng ga liên vận quốc tế Sóng Thần trở thành trung tâm logistics của tỉnh và Đông Nam bộ. Ngoài ra, Cảng Bình Dương do Công ty Cổ phần Cảng Bình Dương (thuộc Tập đoàn Gemadept) quản lý đã được đầu tư hiện đại cũng đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình CĐS của ngành logistics của tỉnh Bình Dương.

Đọc thêm