Bình Dương 'trải thảm đỏ' thu hút tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hành trình chuyển động về kinh tế tới năm 2030, Bình Dương tập trung xây dựng thành phố trực thuộc trung ương với mô hình Bình Dương xanh, phát triển xanh hóa nền kinh tế với hàng loạt mục tiêu chính như: sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường xanh... Trong đó, tỉnh xác định sự dẫn dắt của khoa học công nghệ và hạ tầng xanh là cốt lõi để mở đường đi trước.

Xanh hoá chuỗi tăng trưởng

20 năm qua, Bình Dương nổi lên là một trong những tỉnh vùng Đông Nam bộ có bề dày thu hút đầu tư và được được cộng đồng doanh nghiệp biết đến là một trong những tỉnh có nỗ lực thiết lập hợp tác kinh tế, học hỏi kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và tối ưu hóa sử dụng năng lượng bền vững, chú trọng xây dựng hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo.

Bình Dương 'trải thảm đỏ' thu hút tăng trưởng xanh ảnh 1Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, tỉnh Bình Dương đứng trong top 10 toàn quốc.

Đặc biệt, hành trình hướng tới kinh tế xanh, Bình Dương bắt đầu từ việc trung hoà cacbon và giảm phát thải khí nhà kính. Kế hoạch xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Kế hoạch là cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh Bình Dương.

Mới đây, Bình Dương đưa dự án thử nghiệm công nghệ và hợp tác nghiên cứu phát triển chuyển đổi xanh do Chính phủ Anh tài trợ. Dự án sẽ xây dựng hạ tầng như lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, các trạm sạc xe điện, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm đổi pin xe máy 2 chiều…

Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang cùng các trường đại học sẽ nghiên cứu đưa ra giải pháp về lưới điện thông minh để xây dựng mô hình chia sẻ năng lượng giữa các đơn vị. Sau khi nghiên cứu và thực hiện thành công, dự án sẽ được nhân rộng ra các khu công nghiệp ở Bình Dương nhằm xây dựng mô hình khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp xanh.

Hạ tầng xanh đi trước

Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ưu tiên trải thảm đỏ, chọn lọc thu hút có chiều sâu dòng vốn FDI để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Cụ thể, ngày 10/02/2023, tại Singapore đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) về việc hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam. Theo bản ghi nhớ, trong vòng 3 năm tới, hai bên sẽ hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững với tổng vốn đầu tư để phát triển lên tới 1 tỷ USD. Việc xây dựng khu công nghiệp xanh, thông minh là phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã trình UBND tỉnh dự thảo Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030.

Bình Dương 'trải thảm đỏ' thu hút tăng trưởng xanh ảnh 2

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, tọa lạc tại tỉnh Bình Dương.

Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tập trung vào 3 mục tiêu chính là: thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường. Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, làm cơ sở để các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, Bình Dương đã xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng. Kế hoạch kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, tạo cơ sở để huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.

18 chủ đề 53 nhiệm vụ

Trước biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, là một tỉnh phát triển nhanh, ổn định theo hướng công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu tối đa gánh nặng sinh thái.

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Dương đến 2030 bao gồm 18 chủ đề, 53 nhiệm vụ, hoạt động. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối phối hợp triển khai, theo dõi, tổng hợp báo cáo đánh giá quá trình thực hiện chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động của UBND tỉnh về tăng trưởng xanh.

Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bình Dương 'trải thảm đỏ' thu hút tăng trưởng xanh ảnh 3

Nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Trong đó thí điểm mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ ở một số ngành sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống, công nghiệp chế biến, năng lượng, phát triển đô thị… Trong chuỗi đề án này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, UBND xã Hiếu Liêm tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục tiêu của Đề án, hướng dẫn, thống nhất tiêu chí lựa chọn các hộ tham gia mô hình và các nội dung được hỗ trợ,…

Sau hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo số 2355/BC-SNN về tiến độ thực hiện cho thấy, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi gia súc: hiện tỉnh có khoảng 1.514 hộ chăn nuôi heo quy mô nông hộ, trong đó khoảng 83% số hộ đã thực hiện bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bằng các biện pháp như xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học, sử dụng men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Trên toàn tỉnh nói chung và trên địa bàn xã Hiếu Liêm nói riêng đã thực hiện chuyển đổi mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Mục tiêu tăng trưởng xanh trong chăn nuôi cơ bản đạt được.

Đối với mô hình xanh hóa vườn cây có múi: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên và UBND xã Hiếu Liêm khảo sát và chọn điểm, chọn hộ thực hiện “Mô hình xanh hóa vườn cây có múi”. Qua khảo sát thực tế, 2/4 hạng mục đã được 100% các hộ dân thực hiện là hệ thống tưới tiết kiệm và thiết bị lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vườn; 2/4 hạng mục được thực hiện dưới hình thức khác nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ mục tiêu của mô hình là thiết bị trữ nước vào mùa mưa và lò đốt sinh học Biochar (Dùng đốt rác hữu cơ trong vườn để sản xuất sinh học). Như vậy, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn xã Hiếu Liêm nói riêng, các hộ sản xuất ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của quá trình sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương tiếp tục phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh, các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái để đảm bảo tăng trưởng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất sạch, xanh hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho vùng chuyên canh trái cây có múi; chuyển giao ứng dụng IPM (ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp) trên các loại cây trồng chủ lực, tạo cơ sở từng bước nâng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

Đọc thêm