Bình Thuận linh hoạt các phương án cấp nước chống hạn hán

(PLVN) -Bình Thuận đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm mùa khô hạn, nhiều hồ và đập thủy lợi trên địa bàn đã sụt giảm nguồn nước khá lớn so với mức trung bình hàng năm, nhiều hồ chứa nước đã ở mực nước chết.
Bình Thuận đang vào đỉnh điểm Mùa khô hạn.
Bình Thuận đang vào đỉnh điểm Mùa khô hạn.

Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới ở khu vực Trung Bộ trong đó có Bình Thuận và Tây Nguyên, trong tháng 4 - 5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; dòng chảy trên các sông, suối phổ biến thiếu hụt từ 15-70%, một số sông thiếu hụt lên đến trên 85%; các tháng còn lại của mùa khô, lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào đầu vụ Hè Thu 2020 ở khu vực Trung Bộ chỉ ở mức thấp, trong đó Bình Thuận ở mức rất thấp. 

Để ứng phó tình hình hạn hán, Bình Thuận đang cấp thiết thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm nguồn nước, ứng phó với thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nhằm bảo đảm mục tiêu không để người dân thiếu nước sinh hoạt; quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chăm sóc, bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai kiểm tra tình hình cấp nước chống hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai kiểm tra tình hình cấp nước chống hạn.

UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án cụ thể, thiết thực chống hạn. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán; triển khai ngay phương án ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2.

Lựa chọn giải pháp và tổ chức triển khai ngay các dự án, công trình cấp bách đã được phê duyệt để kịp thời cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân các khu vực bị thiếu nước nghiêm trọng. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình điều tiết nước từ hồ chứa thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận để bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn hán cho vùng hạ du. Rà soát, thống kê số lượng các hộ dân thuộc diện được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua nước sinh hoạt do hạn hán xảy ra.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi rà soát đề xuất các công trình cấp bách để dẫn nước, trữ nước cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nạo vét các cửa lấy nước tại các hồ chứa, đập dâng, các tuyến kênh trục chính, các tuyến kênh chuyển nước, xây dựng các trạm bơm dã chiến bơm tận dụng mực nước chết ở các hồ chứa, các ao bàu để phục vụ chống hạn theo quy định.

Mực nước tại hồ chứa nước tại nhà máy nước Sơn Lâm, huyện Bắc Bình rất thấp.
Mực nước tại hồ chứa nước tại nhà máy nước Sơn Lâm, huyện Bắc Bình rất thấp.

Thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, điều tiết công trình thủy lợi ưu tiên không để thiếu nước cho các nhà máy nước theo kế hoạch ít nhất đến 30/6/2020; cân đối nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh điều tiết giải quyết tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho sinh hoạt, cho chăn nuôi và cho cây thanh long trên địa bàn huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đầu tư bồn, bể chứa nước hộ gia đình; thực hiện ngay các phương án ứng phó xử lý tình huống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn; chủ động sử dụng ngân sách của địa phương triển khai ngay các biện pháp để kịp thời giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số như: lắp đặt bồn tạm, bể chứa nước sạch cung cấp cho các khu vực tập trung đông dân cư và sử dụng xe bồn chở nước sạch cấp nước lưu động cho người dân tại các vùng, khu vực thiếu nước.

Đọc thêm