Tạo tâm lý vững vàng, không gây áp lực cho thí sinh
Năm 2025, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội diễn ra ngày 7 và 8/6 với 3 môn thi gồm: Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT công lập chuyên và không chuyên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 cho thấy “tỷ lệ chọi” không quá cao. Theo đó, Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ chọi với 1/2,44. Đứng thứ hai là Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông với 1/2,35. Tiếp đó là các trường THPT: Kim Liên, Đống Đa, Hoài Đức C, Cầu Giấy, Ngô Thì Nhậm, Phan Đình Phùng, Khương Hạ và Nhân Chính. Như vậy, so với năm ngoái, mức cạnh tranh vào lớp 10 đã giảm. Năm nay cũng là lần đầu sau ba năm liên tiếp, không trường nào ở Hà Nội có tỷ lệ chọi vượt mức 1/3. Thực tế, không phải tỷ lệ chọi thấp, điểm sẽ không cao, mà các trường theo mặt bằng chung sẽ có lượng thí sinh phù hợp. Thí sinh biết lượng sức mình để đăng ký vào trường “tốp đầu” hay tốp sau...
So với số học sinh lớp 9 của Hà Nội năm trước, năm nay giảm khoảng 6.000 học sinh. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội cho năm học 2025 - 2026 tăng hơn. Theo đó, sẽ có khoảng 64% số học sinh dự thi đỗ vào trường THPT công lập. Tuy nhiên, sức nóng sẽ không giảm ở tốp trường có sức hút lớn. Đặc biệt đây là kỳ thi vào lớp 10 đầu tiên được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, với nhiều đổi mới về cấu trúc đề thi, nội dung học và phương pháp đánh giá. Chính vì thế, trong tháng cuối này, học sinh căng sức ôn thi, giáo viên và phụ huynh đồng hành tăng tốc. Áp lực tâm lý đang đè nặng lên không ít em.
Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có gần 500 học sinh lớp 9 đang bước vào giai đoạn nước rút một cách chắc chắn và bài bản. Chia sẻ về điểm mới trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kể từ năm 2025, học sinh không còn “tủ” để ôn thi môn Ngữ văn bởi đề thi sẽ không lấy ngữ liệu từ sách giáo khoa. Việc đổi mới đề thi Ngữ văn giúp học sinh hình thành thói quen tự học, nhưng cũng là thử thách với những em kỹ năng còn yếu. Điều này hạn chế tình trạng học thuộc lòng, học tủ, học vẹt. Đây là ưu điểm rất lớn, vì nó buộc học sinh phải phát triển khả năng đọc - hiểu và viết nghị luận. Với những em chăm chỉ, có nền tảng đọc - hiểu và khả năng trình bày mạch lạc thì không quá lo lắng, nhưng những học sinh yếu kỹ năng viết sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình làm bài.
Đề thi Ngoại ngữ cũng có đổi mới nên giáo viên phải cập nhật liên tục để giúp học sinh làm quen dần với định dạng mới để tránh bị bỡ ngỡ. Theo cô Hằng, để hỗ trợ học sinh, nhà trường đã tổ chức các đợt thi thử theo đúng định dạng đề thi mới để giúp các em làm quen với đề, rèn kỹ năng làm bài, ổn định tâm lý phòng thi. Trường đã tổ chức 5 đợt kiểm tra và kỳ thi thử cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 20/5. Sau mỗi lần kiểm tra, giáo viên chữa đề kỹ lưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh còn yếu. Mục tiêu là để các em tự tin bước vào phòng thi, không bị “ngợp” khi bước vào kỳ thi quan trọng này.
Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình) cho biết: “Chúng tôi triển khai ôn thi một cách khoa học, đề thi có phân loại rõ ràng. Giáo viên xây dựng lộ trình ôn tập riêng biệt cho từng nhóm học sinh, tùy theo năng lực và tâm lý từng em. Điểm đặc biệt là sự đồng hành sát sao từ phía phụ huynh. Chúng tôi phân vai rất rõ: cô giáo phụ trách nội dung học ở lớp, phụ huynh hỗ trợ, kiểm tra ở nhà. Sự phối hợp này đang phát huy hiệu quả rõ rệt”.
Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa) cũng bước vào “giai đoạn kim cương”, 4 tuần nước rút trước kỳ thi. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ôn luyện không chỉ tập trung vào những ngày cuối mà đã được thực hiện xuyên suốt từ đầu năm học. Từ tháng 8, khi Sở GD&ĐT công bố đề minh họa, chúng tôi đã tích cực đưa dạng bài sát đề thi vào giảng dạy chính khóa”. Tại trường THCS Thái Thịnh, mỗi tháng học sinh đều có khảo sát định kỳ với đề thi do đội ngũ riêng xây dựng và chấm điểm độc lập. “Điều này giúp đánh giá chính xác năng lực của từng học sinh và điều chỉnh kịp thời lộ trình ôn tập”, thầy Cường khẳng định. Trường còn tổ chức thi thử miễn phí, phát hành tài liệu ôn luyện bản quyền riêng và đặc biệt chú trọng nhịp sinh học của học sinh. “Không nên để học sinh thức khuya quá mức. Sức khỏe và tinh thần là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả của kỳ thi”, thầy nhấn mạnh.
Một điểm mới nữa, kỳ thi năm nay không nhân hệ số môn Ngữ văn và Toán như các năm trước, mà tính điểm đồng đều giữa ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Điều này tạo thuận lợi cho những em học đều các môn, nhưng cũng khiến nhiều học sinh ở khu vực ngoại thành, vốn ít được tiếp cận với chương trình tiếng Anh chất lượng cảm thấy lo lắng.
![]() |
Ngày hội Tư vấn TS lớp 10. (Ảnh: THPT Phan Đình Phùng, HN) |
Khích lệ thay vì tạo áp lực
Em Tuấn Anh, học sinh của một trường THCS ở quận Cầu Giấy chia sẻ: Hiện em đang học thêm ba môn: Toán, Văn, Anh để thi vào THPT Yên Hòa. Buổi sáng em học chính, chiều học thêm, tối học bài đến 4 - 5h sáng. Mỗi ngày em chỉ ngủ 3 - 4 tiếng, thậm chí có hôm học cả đêm không ngủ.
Tương tự như Tuấn Anh, nhiều học sinh lớp 9 cũng đang phải trải qua lịch học dày đặc với 8 - 9 buổi học thêm/tuần. “Con tôi học thêm 8 - 9 buổi/tuần, có hôm thức trắng đêm vẫn không làm hết bài tập. Dù nhiều lần đề nghị con chuyển sang trường tư để giảm áp lực, nhưng con không đồng ý. Gia đình tôi chỉ biết động viên. Không dám ép con học, cũng không đặt mục tiêu con vào trường top, chỉ mong con đừng stress”, chị Trần Lan, phụ huynh một học sinh lớp 9 chia sẻ.
Bên cạnh những phụ huynh áp lực hơn con thi, nhiều phụ huynh xác định cho con học trường tư gần nhà. Nếu không đỗ trường công, có thể vào những trường tư chất lượng, tùy theo điều kiện gia đình.
Ở chặng nước rút này, cô Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng: “Học là quá trình dài hạn, không thể dồn ép trong thời gian ngắn. Ngay từ lớp 6, lớp 7, lớp 8, giáo viên đã định hướng để học sinh có nền tảng vững vàng và các con sẽ không bị áp lực khi vào lớp 9. Việc chọn trường phù hợp năng lực cũng tránh được áp lực không đáng có cho các em. Thời điểm này, các con cần thời gian tự học để kiến thức ngấm dần, chứ không phải lao vào các lớp học thêm tối ngày”.
Tại các nhà trường, cô Tô Thị Hải Yến cho biết, tinh thần chung của giáo viên ở giai đoạn này là khích lệ thay vì tạo áp lực đối với học sinh. Ngoài việc dạy học, giáo viên còn tổ chức các buổi tư vấn tâm lý, trò chuyện để tiếp sức tinh thần cho học sinh, giúp cho các em giải tỏa áp lực, căng thẳng...
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, lúc này, học sinh được luyện đề sát với đề thi thật, không học kiến thức mới mà ôn luyện trọng tâm, hệ thống lại toàn bộ kiến thức. Để đồng hành với các em vượt qua giai đoạn then chốt, nhà trường tổ chức ôn tập miễn phí hoàn toàn.
Không ít thầy cô chủ nhiệm thường có tâm lý căng thẳng, lo học sinh không đỗ trường công sẽ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường, thầy cô, nên vô hình trung gây áp lực cho phụ huynh, học sinh. Trên một số diễn đàn, có phụ huynh chia sẻ, cả nhà có con thi lớp 10 “căng như dây đàn”... Không thể phủ nhận sự bứt phá của học sinh trong chặng nước rút, nhưng nếu các em có sức học chắc, cùng với sự tự tin, biết lượng sức mình, các em sẽ đỗ vào những ngôi trường các em đặt mục tiêu. Nếu các em đi ôn luyện quá nhiều, thời gian kín từ sáng tới khuya sẽ càng thêm căng thẳng, mệt mỏi, áp lực. Thậm chí căng thẳng quá có thể các em sẽ làm bài không tốt, ngay cả với em có sức học tốt... Thay vào đó, các em dành thời gian hệ thống lại bài vở, tự học thay vì học thêm tràn lan.
Phụ huynh tránh “hội chứng thi vào 10”
Theo Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, biểu hiện phổ biến của “hội chứng thi vào 10” là phụ huynh đặt kỳ vọng quá lớn khiến các con cảm thấy áp lực nặng nề. Nhiều em học ngày, học đêm, bỏ ăn, mất ngủ, dẫn đến stress kéo dài. Việc thiếu thời gian nghỉ ngơi, thức khuya học bài không giúp học sinh học tốt hơn, ngược lại khiến tinh thần suy giảm và phản tác dụng. Phụ huynh hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu con trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này. Đừng nên chì chiết, so sánh hay chăm chăm vào điểm số sẽ khiến học sinh cảm thấy thất vọng, mất niềm tin vào bản thân, từ đó mất tinh thần học tập và kết quả thi không tốt. Về phía học sinh cần kế hoạch học tập hợp lý, xen kẽ thời gian nghỉ ngơi. Phụ huynh nên đóng vai trò là người đồng hành, động viên, không đặt kỳ vọng quá cao hay gây áp lực vô hình lên các em.