Sáng nay, 1/11, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua nhiều ngành công nghiệp đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc phát triển công nghiệp phụ trợ còn nhiều hạn chế; tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương; tiến độ xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài...
Theo Tư lệnh ngành Công thương, nguyên nhân yếu kém của công nghiệp hỗ trợ là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn... Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, đào đạo nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị để mở rộng thị trường...
Tình trạng buôn lậu vẫn "nóng" ở nhiều địa phương, từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Long An, Tây Ninh, không chỉ thuốc lá mà cả đường, phân bón... Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nguyên nhân là do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng "nhờn" pháp luật, các đối tượng buôn lậu cấu kết tinh vi, có hệ thống... Bên cạnh đó, sự phối hợp của từng lực lượng phòng chống buôn lậu ở địa phương "điểm nóng" chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả đấu tranh còn yếu; mặt khác, chất lượng, chuyên môn, phẩm chất của lực lượng phòng chống buôn lậu cũng còn khoảng cách so với đòi hỏi thực tiễn...
Thừa nhận yếu kém, Bộ trưởng Bộ Công thương đồng thời cho biết, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc được thành lập để trực tiếp thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ sẽ có cơ sở để đấu tranh trên mặt trận này hiệu quả hơn.
Bộ trưởng cũng đề nghị tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi. Ngoài ra, cần xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đủ chế tài xử lý.
Về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang “đắp chiếu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, các công việc liên quan “đang đi đúng tiến trình”. Năm 2016 – 2017 Chính phủ lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý, năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án, và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để.
Hiện có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục hoạt động sản xuất, đang từng bước tiếp cận thị trường, có hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó có giải pháp bán vốn, thu hồi vốn của nhà nước. 3 dự án khác trong lĩnh vực xăng sinh học đang khởi động, tổ chức lại, năm 2018 sẽ có hoạt động thương mại, tham gia thị trường, là cơ sở để giải quyết triệt để các dự án này.
Các dự án khác như Giang Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng đang có bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, cũng như các giải pháp về công nghệ, giải quyết tồn tại với tổng thầu nước ngoài...
"Từ việc xử lý những dự án này, sẽ rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới", Tư lệnh ngành Công thương cam kết.