Do lũ về bất ngờ vào ban đêm, lúc mọi người đang ngủ nên không ai kịp trở tay, gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, ao cá và hàng chục ghe thuyền neo đậu trên sông Hồng. Đến nay, nước đã rút trên các con suối, giao thông cơ bản thông suốt.
Tuy nhiên, lũ quét xảy ra đồng thời ở nhiều địa bàn nên công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả rất khó khăn. Ước tính tại xã Trịnh Tường thiệt hại hơn 20 ha lúa và hoa màu, ngoài ra tài sản của người dân vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ. Toàn bộ cánh đồng lúa ở đây chỉ còn lại là sỏi và đá.
Trước đó, vào tháng 8/2008, tại con suối này cũng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cuốn trôi cả làng, làm 19 người chết và mất tích. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đồn BP Trịnh Tường đã huy động 30 cán bộ, chiến sĩ, cùng với lực lượng Công an huyện và dân quân đến để giúp đỡ nhân dân, tổ chức ứng cứu, di chuyển nhà cửa, đồ đạc.
Tại thôn Nậm Chạc (xã Nậm Chạc), cơn lũ đi qua đã cuốn trôi nhiều đồ đạc của người dân, 15 hộ bị thiệt hại, trong đó có 1 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người. Căn nhà của gia đình bà Bà Vàng Thị Sủ, ở thôn Nậm Chạc, mặc dù không bị lũ cuốn trôi nhưng toàn bộ tài sản trong nhà đều bị bùn đất nhấn chìm, trong đó có 5 chiếc xe máy. Bà Sủ nghẹn ngào trong nước mắt cho biết: “Nhà tôi chỉ kịp chạy người, lúa gạo, mọi thứ đều mất hết rồi. Tài sản của chúng tôi chỉ còn lại bộ quần áo mặc trên người mà thôi”.
Đồn BP A Mú Sung đã huy động hơn 30 cán bộ, chiến sĩ cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đến giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả của cơn lũ. Để giúp đỡ người dân, bước đầu Đồn BP A Mú Sung đã trích quỹ hỗ trợ mỗi hộ 10kg gạo và 2 thùng mì tôm. Ngoài ra, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa và sửa chữa các vật dụng khác bị hư hỏng.