Bộ GD&ĐT nêu lý do đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS

(PLVN) - Bộ GD&ĐT cho rằng, việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học. Điều này đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của công luận. Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9/7/2025.

Tại Dự thảo, trong hệ thống văn bằng, Bộ GD&ĐT bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình THCS.

Theo Bộ GD&ĐT, điều này nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đồng thời, phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục; cũng như phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay, khi đã có nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của Hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học (sửa tương ứng ở Điều 34 Luật này và Luật Giáo dục nghề nghiệp nếu có quy định liên quan).

Dự thảo cũng đề xuất trao thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp cho người đứng đầu cơ sở giáo dục. Cụ thể giao Hiệu trưởng trường THCS xác nhận hoàn thành chương trình học THCS thay cho Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện. Giao Hiệu trưởng trường THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho Giám đốc Sở GD&ĐT.



  • Ngoài ra, Dự thảo bỏ khái niệm trường trung cấp, chuyển thành trung học nghề và bổ sung trung học nghề là cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức nghề và kiến thức chương trình trung học phổ thông.

    Theo đó, trong chương trình trung học nghề học sinh có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề. Hết lớp 9, học sinh có 3 lựa chọn: vào trung học phổ thông, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề.

    Bộ GD&ĐT nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau trung học cơ sở, tạo cơ hội học liên thông… đồng thời phù hợp với cách tiếp cận hệ thống của UNESCO...

    Đọc thêm