Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo: Luật hóa để nâng cao vị thế người Thầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Nhà giáo để chuẩn bị cho việc trình Chính phủ vào giữa tháng 7 tới. Dự thảo Luật có nhiều điểm mới quy định về nhà giáo.
Dự án Luật Nhà giáo phải bảo đảm sự quản lý thống nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách tốt nhất. (Ảnh minh họa: Thầy trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, Hải Phòng. Nguồn: PV)
Dự án Luật Nhà giáo phải bảo đảm sự quản lý thống nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách tốt nhất. (Ảnh minh họa: Thầy trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, Hải Phòng. Nguồn: PV)

Tính đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ở hầu hết các địa phương, cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái… nhà giáo để giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ nhà giáo trên địa bàn quản lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu về người làm việc trước mỗi năm học;

Ngoài ra, công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo hầu hết không do ngành Giáo dục ở địa phương chủ trì. Nhiều nơi không tổ chức nên việc thực hiện chế độ, chính sách của nhà giáo chưa kịp thời, không động viên nhà giáo phấn đấu phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục... Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế như khó tuyển được giáo viên giỏi…

Về vấn đề quản lý nhà nước đối với nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị dự án Luật Nhà giáo phải bảo đảm sự quản lý thống nhất trong toàn ngành, thông suốt từ trung ương đến địa phương để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách tốt nhất, từ tuyển dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, trên cơ sở bảo đảm vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của ngành Nội vụ cũng như sự phân cấp trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

“Đây là nội dung khó và thách thức nhưng nếu không xử lý được thì sẽ không tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại về tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, sự bất hợp lý về cơ cấu giáo viên giữa các môn học, giữa các vùng miền”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Về vị trí, vai trò của nhà giáo, theo dự thảo Luật thì nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thực tế, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa, hoặc luật hóa chưa đầy đủ nên thiếu cơ sở để thực hiện. Thực tế, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.

Đời sống kinh tế của nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng lương, tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận nhà giáo bỏ việc, chuyển việc, nhất là nhà giáo trẻ. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm...

Gần đây, tại một số cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng nhà giáo bị học sinh và phụ huynh hành hung, xúc phạm, gây mất trật tự xã hội và ảnh hưởng không tốt đến môi trường sư phạm; nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội. Vấn đề này cũng được dự thảo Luật đề cập qua các quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi sau: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo; cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo...

Để giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn... dự thảo Luật Nhà giáo quy định: tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.

Đọc thêm